VIDIFI gửi văn bản 'đòi nợ' Bộ Tài chính: Căn cớ gì?

Việc VIDIFI gửi văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội để đòi tiền hoàn vốn dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là đúng theo cam kết.

Phải theo cam kết

Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội đề nghị trả cả tiền gốc và lãi vốn vay để làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cụ thể, VIDIFI đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo, giải quyết và hướng dẫn thủ tục nhận nguồn tiền sử dụng đất của dự án Khu đô thị Gia Lâm.

VIDIFI đề nghị Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, giải quyết và hướng dẫn để VIDIFI sớm nhận được số tiền sử dụng đất 4.723 tỉ đồng của dự án Khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 29/8, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Khoa cầu đường, Đại học GTVT Hà Nội cho biết, việc VIDIFI liên tiếp gửi văn bản đòi được trả nợ là đúng không sai, vì dự án trên tất cả các cam kết đều đã được các Bộ ngành thống nhất.

Nguyên do ở đây là Bộ Tài chính chưa sắp xếp được vốn nên cứ để, mà cứ kéo dài thì doanh nghiệp đứng ra vay họ phải chịu lãi, nên họ phải có văn bản xin trả sớm cũng dễ hiểu.

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Ở đây, theo cam kết ban đầu ở bất cứ dự án nào nếu nhà nước không trả được thì phần lãi tiếp theo thời gian kéo dài nhà nước phải trả.

"Như dự án trên, theo thông tin tôi nắm được, để hoàn trả khoản tiền đầu tư cho VIDIFI, Thủ tướng Chính phủ quyết định khi Khu đô thị Gia Lâm được đầu tư xây dựng sẽ trích một khoản từ tiền sử dụng đất của dự án để hoàn vốn cho tuyến cao tốc. Khu đô thị Gia Lâm đã có, nhưng thời gian thu chưa dài, nên khoản tiền thu về chưa nhiều.

Nếu nhà nước không hoàn trả thì phần lãi sẽ do VIDIFI đứng ra chịu trước các Ngân hàng nước ngoài, khi đó, vốn đầu tư dự án tự động tăng lên", ông Toản chỉ rõ thêm.

Cũng theo vị chuyên gia trên, nhà nước phải thanh toán sòng phẳng theo cam kết dự án ban đầu. Còn nhà nước không trả được thì phương án tài chính cần phải tính lại, phần lãi vay sẽ bị đội lên.

Phải phân ranh rới trách nhiệm, nghĩa vụ rạch ròi

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn công nghệ vật liệu và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, VIDIFI được nhà nước cử làm đại diện quản lý dự án cao tốc này, tất cả thuộc quản lý của nhà nước, nên Bộ Tài chính phải lo.

Giờ dự án trên rất phức tạp, BOT không ra BOT, nhà nước đầu tư không ra nhà nước đầu tư. VIDIFI yêu cầu trả tiền thì Ban quản lý dự án phải đứng ra tìm cách trả, hồ sơ cam kết như thế nào cứ như vậy mà làm.

Vốn nhà nước đầu tư thì phải chi tiền theo kế hoạch trả cho doanh nghiệp, còn cổ đông đóng góp khác quy theo %.

Phần nhà nước thì Bộ Tài chính phải lo, cứ dựa theo kế hoạch nhà nước góp vốn ra sao, truy nguyên từ đó.

Còn về phía chủ đầu tư, thu phí được bao nhiêu tiền phải thanh toán nợ cho các ngân hàng nước ngoài, chứ không đổ dồn hết cho nhà nước.

Việc cần làm nhất là phân ranh giới rạch ròi, nghĩa vụ, trách nhiệm từng cổ đông, chứ nhà nước không phải chịu tất cả, lãi và lỗ đều chia theo tỷ lệ đóng góp, nghĩa vụ thì theo cam kết ban đầu.

Trước đó, hồi tháng 6/2018, Vidifi cũng đã tiếp tục có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bố trí vốn ngân sách Nhà nước để trả nợ 2 khoản vay từ Ngân hàng tái thiết Đức- KfW và ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc- Kexim Bank.

Vidifi cho biết, tổng số nợ gốc đã trả và sẽ đến hạn trả của các khoản vay từ Kexim Bank và KfW cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến năm 2020 quy đổi ra đồng Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.

Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành lập Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để thực hiện dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo cơ chế thí điểm (hình thức đầu tư PPP).

Do ngân sách Nhà nước khó khăn, phần tham gia vốn của Nhà nước vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.

Cụ thể, đối với chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.069 tỉ đồng, Nhà nước đề nghị chủ đầu tư VIDIFI vay VDB để ứng tiền cho công tác giải phóng mặt bằng. Nhà nước sẽ hoàn trả trong vòng 7-12 năm.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vidifi-gui-van-ban-doi-no-bo-tai-chinh-can-co-gi-3364552/