'Việc đầu tư hạ tầng viễn thông ở những vùng khó khăn thực sự là nhu cầu cần thiết...'

Hiện nay, việc phủ sóng viễn thông (di động) đến tất cả các địa phương, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là nhu cầu rất lớn của người dân để đảm bảo cho việc tiếp cận thông tin, ổn định liên lạc. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng lõm sóng di động. Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.

- Những năm qua, lĩnh vực viễn thông đã có sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, một số khu vực trên địa bàn tỉnh vẫn đang nằm trong vùng “lõm” sóng di động, xin đồng chí cho biết rõ hơn về thực trạng này?

+ Chúng ta đều biết, Quảng Ninh là tỉnh có địa hình rất đặc thù. Đơn cử như 6 địa phương ở khu vực miền Đông thì đều có các xã vùng cao, vùng sâu. Bên cạnh đó, còn có các khu vực biển đảo như Vân Đồn, Cô Tô. Đơn cử như huyện Hoành Bồ, một địa bàn được ví như “cửa ngõ” của thủ phủ Hạ Long, song cũng có không ít các xã vùng sâu, vùng cao… Chính vì vậy, câu chuyện “lõm” sóng di động ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh là một thực tế. Tuy nhiên, nói điều này, không có nghĩa là chấp nhận hiện trạng đó như một nguyên nhân khách quan mà để cho thấy trong sự phát triển vượt bậc, đột phá nói chung thì việc đầu tư hạ tầng mềm, trong đó có viễn thông ở những vùng khó khăn thực sự là nhu cầu cần thiết đứng ở góc độ người dân và là yêu cầu cấp bách của công tác quản lý nhà nước. Xuất phát từ các yếu tố đó, từ giữa năm 2018, trong một cuộc họp của UBND tỉnh về rà soát các nội dung thực hiện theo kiến nghị của cử tri, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động báo cáo với tỉnh cho phép được rà soát tổng thể về độ phủ sóng di động trên địa bàn toàn tỉnh để từ đó xây dựng kế hoạch phủ sóng đối với các vùng “lõm” gắn với những tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục bài bản, có lộ trình. Theo kết quả khảo sát từ các địa phương và các doanh nghiệp viễn thông hiện 9/14 địa phương trong tỉnh có vùng “lõm” sóng di động. Đáng chú ý, trong đó, có 20 xã và 43 thôn thuộc chương trình 135 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo giai đoạn 2016-2020.

- Vậy sau khảo sát sẽ là như thế nào?

+ Ngay sau khi nhận được báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (số 1255/STTTT-BCVT, ngày 11/9/2018) về thực trạng và đề xuất giải pháp phủ sóng các điểm “lõm” sóng di động trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể. Theo đó, tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện phủ sóng các điểm “lõm” đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trong đó, ưu tiên thực hiện phủ sóng trong năm 2018 đối với các xã, thôn thuộc chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Sở tham gia ý kiến về nội dung liên quan đến các dự án như thiết kế công nghệ (nếu có), các yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cần áp dụng, địa điểm xây dựng phù hợp với Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh, khả năng kết nối đối với hạ tầng kỹ thuật khu vực (văn bản số 6922/UBND-XD6, ngày 20/9/2018). Bên cạnh đó, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho một số sở, ngành và các địa phương cùng tham gia. Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì thẩm định dự án, thiết kế, dự toán phần xây dựng kết cấu đầu tư xây dựng công trình thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét phương án hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm BTS phục vụ các điểm lõm sóng di động trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông trong việc xây dựng các trạm BTS phủ sóng các điểm “lõm” tại địa phương.

- Đến nay, việc hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện phủ sóng các điểm lõm sóng di động đã được triển khai như thế nào thưa đồng chí?

+ Hầu hết, các điểm “lõm” sóng đều thuộc những địa bàn có địa hình đặc biệt khó khăn, do vậy, để thực hiện phủ sóng di động không hề đơn giản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mức đầu tư sẽ khác các điểm thông thường và như vậy, đòi hỏi, phải có sự bố trí nguồn lực để thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các doanh nghiệp Viễn thông (Viettel, VNPT) xây dựng khái toán phủ “lõm” sóng di động tại 20 xã, 43 thôn thuộc chương trình 135 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; cùng với đó, khái toán phủ “lõm” sóng di động đối với các xã, thôn, bản không thuộc các chương trình nói trên cũng đã được thực hiện xong. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần công việc rất nhỏ trong tổng thể nhiều việc phải triển khai. Hiện tại, Sở đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông trong khâu xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể và theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Cùng với đó, để nhanh chóng triển khai theo chỉ đạo của tỉnh, Sở đã thống nhất cùng các doanh nghiệp viễn thông trong việc phân công cụ thể các địa điểm cần đầu tư xây dựng đối với từng doanh nghiệp viễn thông và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông các bước thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm BTS phủ “lõm” sóng di động.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thanh (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201810/dan-hoi-lanh-dao-tra-loi-viec-dau-tu-ha-tang-vien-thong-o-nhung-vung-kho-khan-thuc-su-la-nhu-cau-can-thiet-2403764/