'Việc đọc sách chỉ ngừng khi nhắm mắt xuôi tay'

Việc đọc sách cần được hình thành và trở thành thói quen từ khi còn rất nhỏ, ngay cả khi một đứa trẻ chưa biết nói.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã có những chia sẻ liên quan đến việc làm sao hình thành thói quen đọc sách cho trẻ tại buổi tọa đàm sáng nay.

Trong khuôn khổ hoạt động ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, sáng 22-4, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.

TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ chia sẻ tại tọa đàm sáng nay. Ảnh: VĂN HÀ

TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ chia sẻ tại tọa đàm sáng nay. Ảnh: VĂN HÀ

TS Quách Thu Nguyệt cho hay ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần phải đọc. Đọc là nhận thức, ngừng đọc sẽ ngừng tư duy. Lâu nay nhiều người luôn có suy nghĩ, đọc chỉ được thực hiện khi trẻ bắt đầu biết đọc. Tuy nhiên, cách nghĩ này chưa chính xác.

”Tôi nhận ra rằng việc đọc cần phải được thực hiện ngay khi trẻ chưa biết đọc. Tôi vẫn nhớ khi xưa ông bà, cha mẹ hay hát ru cho con ngủ. Qua lời ru, ba mẹ đã đưa những câu ca, câu thơ, hò vè tắm mát tâm hồn con, giúp con trẻ tiếp xúc gần với ngôn ngữ” - TS Nguyệt nói.

Cũng theo bà Quách Thu Nguyệt, đối với lứa tuổi tri thiên mệnh, thất thập cổ lai hy lại càng phải đọc sách. Việc đọc giúp họ hạn chế được bệnh giảm trí nhớ. Đọc chính là học, học suốt đời. Việc đọc chỉ ngừng khi nhắm mắt xuôi tay. Do đó, ngay từ khi lọt lòng cho tới khi mà đã lớn tuổi, chuyện đọc không thể ngừng.

Bà Nguyệt cho biết, gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng đối với thói quen đọc sách của con trẻ. Năm 2019 qua cuộc khảo sát hơn 1.600 học sinh cho thấy, với các em cấp 1, 2, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc đọc sách. Lứa tuổi cấp 3, thầy cô, bạn bè là người tác động tới thói quen đọc của các em.

Việc đọc phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi cũng như sở thích của các em. Cha mẹ không áp đặt chỉ định hướng những nội dung không nên đọc.

Em Bùi Lưu Bảo Khánh, học sinh lớp 8, giải nhất hội thi “Lớn lên cùng sách” lần tám chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VĂN HÀ

"Chỉ khi gia đình và nhà trường quan tâm đúng mức thì việc phát triển văn hóa đọc sẽ sớm đạt được kết quả như kỳ vọng, sức đọc của người Việt Nam sẽ nâng lên chứ không thể dừng ở mức 4 bản sách/người/năm" - TS Nguyệt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ, giai đoạn 3-6 tuổi kỹ năng ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ, vì thế việc cho trẻ làm quen sách trong giai đoạn này rất quan trọng. Tuy nhiên, cha mẹ phải phải thấu hiểu con có nhu cầu, sở thích gì để chọn được sách phù hợp. Cha mẹ cũng có thể thiết kế những trò chơi, thử thách liên quan đến sách để con tham gia...

Đánh giá cao vai trò của gia đình trong việc giúp trẻ yêu sách, Á hậu quốc tế Thúy Vân cho biết, dù con mới 2 tuổi nhưng chị đã cho con làm quen với sách từ sớm thông qua việc đọc sách cho con. Chị thường chọn cho con những cuốn sách có hình minh họa sinh động tạo sự hứng thú cho con. Đặc biệt, vào mỗi cuối tuần gia đình đều đưa bé đi nhà sách và để con chọn những cuốn sách mà bé thích.

Trong khi đó, tác giả Trung Nghĩa, cho rằng niềm say mê đọc sách của anh xuất phát một cách tự nhiên từ nhỏ khi ba thường xuyên mua sách, báo cho đọc. Thói quen đó duy trì đến khi trưởng thành và ngày càng say mê hơn với việc đọc và viết.

"Gia đình rất quan trọng trong việc khơi gợi đam mê đọc cho trẻ. Nhà trường có vai trò trong việc tạo môi trường thúc đẩy việc đọc. Việc đọc là tự nhiên, là nhu cầu của mỗi người, vì thế không áp đặt trẻ trong việc chọn đọc sách. Đọc sách giúp mở rộng tầm mắt và mở mang sự hiểu biết của mình" - anh Trung Nghĩa nói thêm.

THỤC ĐOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/viec-doc-sach-chi-ngung-khi-nham-mat-xuoi-tay-post729980.html