Việc giám định thiệt hại để giải quyết bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Hải An ở đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, khi người tham gia giao thông bị tai nạn, việc giám định thiệt hại để giải quyết bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 12 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15-1-2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1-3-2021) quy định về giám định thiệt hại như sau:

1. Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, người lái xe và bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Chi phí giám định thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

2. Trường hợp chủ xe cơ giới, người lái xe không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập, một trong các bên được yêu cầu tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

3. Trường hợp kết luận của giám định viên độc lập khác với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả chi phí giám định viên độc lập. Trường hợp kết luận của giám định viên độc lập trùng với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới, người lái xe phải trả chi phí giám định viên độc lập.

4. Trong trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể thực hiện được việc giám định, doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

* Bạn đọc Thiều Quang Minh ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi?

Trả lời: Điều 11 Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành quy định quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi như sau:

1. Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của luật này.

2. Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của luật này.

3. Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi.

4. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

5. Có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/viec-giam-dinh-thiet-hai-de-giai-quyet-boi-thuong-bao-hiem-trach-nhiem-dan-su-cua-chu-xe-co-gioi-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-653135