Việc khó phải làm

Chưa bao giờ ông giáo viết điếu văn mà khổ sở đến thế. Viết được vài dòng lại gạch.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cuối cùng thì lão cũng chết. Cũng tội. Nhưng thú thật là làng trên xóm dưới như dứt được cục nợ.

Trừ ông giáo già làng tôi - người mà tôi đã nhắc đến trong chuyện “Ông già cổ lỗ sĩ” ấy, là vẫn phải... khổ vì lão. Ông giáo là Chi hội trưởng người cao tuổi của làng, lại là người có chữ nghĩa, nên chịu trách nhiệm viết điếu văn cho lão.

Chưa bao giờ ông giáo viết điếu văn mà khổ sở đến thế. Viết được vài dòng lại gạch. Tích chè xanh vơi đi phân nửa, mà ý tứ vẫn chưa được sắp đặt. Bác Bí thư chi bộ thì cứ ngồi bên giục: “Thì ông cứ viết như thường lệ... Rằng, ông mất đi là gia đình mất một người cha mẫu mực, hết lòng thương yêu vợ con, cháu chắt... Xóm làng mất đi một người hiền lành, năng nổ”,...

“Khổ quá, viết dối vậy được thì ông viết thay tôi đi. Chứ tôi mà viết, cứ đọc lên là thấy... sống sượng sao ấy”.

Ông giáo nói vậy, bác Bí thư chi bộ cũng đành trầm ngâm.

Trước khi nhắc đến người được viết điếu văn, xin quý vị nếu có thời gian lướt qua những dòng dông dài này, xin chia sẻ lại rằng, chuyện tôi kể là chuyện của làng tôi, dù có giống thì cũng không phải của bất kỳ làng nào khác.

...

Lão vốn là lãnh đạo của một cơ quan lớn trên tỉnh, có đủ quyền thế, nhà cao cửa rộng, của nổi của chìm, vợ con đề huề. Có điều, 2 đứa con của lão đều là gái. Chừng vài năm trước khi về hưu, lão quyết tâm kiếm cho mình đứa con trai để kế thừa sản nghiệp. Với sự giúp sức của cậu lái xe thân tín, lão kiếm được một mối trẻ trung, xinh đẹp, yêu chiều lão hết lòng. Lão mua nhà, mua đất ở thành phố lớn, tậu xe và đáp ứng mọi nhu cầu hưởng thụ của người đẹp. Những chuyến “công tác” xa, đột xuất nhiều bao nhiêu thì đồng nghĩa kéo theo gia sản một đời tích cóp của lão đổ dồn về người đẹp bấy nhiêu - nhất là khi lão được toại nguyện có được thằng con trai nối dõi.

Về hưu, lão lập tức ly dị vợ, gom góp hết tài sản rồi hý hửng bắt xe lên thành phố lớn, chuẩn bị tận hưởng cuộc sống trong mơ.

Thực ra là ác mộng. Người tình trẻ đẹp ném toẹt vào mặt lão cái giấy xét nghiệm ADN, để chứng minh cậu nhóc bế trên tay là con của… cậu lái xe thân tín. Cánh cửa ngôi biệt thự nặng nề khép lại, nhấn lão vào một hố đen sâu hun hút.

...

Chăm lão trong bệnh viện được ít lâu, do vướng bận công việc và cả cuộc sống riêng, nên 2 cô con gái quyết định đưa lão về quê, ở cùng với vợ chồng người chú ruột trong khu nhà thờ của gia đình. Khỏe lại, lão kiên quyết đuổi gia đình người em ruột xuống ở dưới căn bếp để giành lấy căn nhà ngang, với lý do lão là người bỏ tiền xây nhà thờ. Từ đấy cho đến lúc tắt thở, không biết bao nhiêu lần lão ông ổng xỉ vả vợ chồng người em nông dân cả đời làm lụng mà không lo được miếng đất cắm dùi. Mỗi lần như thế, hàng xóm chỉ biết thở dài, thương vay.

Một thời gian dài, lão chỉ ở trong nhà, ông ổng hát ka-ra-ô-kê. Hát chán, thì như rất nhiều ông nọ bà kia sau khi về hưu, lão làm thơ. Rồi để được đọc thơ, lão mon men xin tham gia câu lạc bộ thơ với người cao tuổi trong làng, rồi lên tận huyện, tận tỉnh để tham gia vào các hội thơ ở đấy.

Để có thi hứng, lão uống rượu, la cà đầu làng cuối xóm, từ sáng sớm đến tối khuya. Hết quán xá thì lão mò đến nhà người thân quen. Ai cũng nghĩ, rót cho lão vài chén để lão đi cho yên, nhưng có vài chén vào thì lão lôi chủ nhà lại, bắt ngồi nghe lão đọc thơ, kể về thời lính, về những đóng góp của lão ngày còn đương chức, và cả thơ về tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm.

Đến khi ai cũng tránh mặt, đám xá trong làng không ai muốn mời, thì cứ rượu vào là lão kiếm cớ sinh sự, từ con nít tới người già. Lão phả hơi cồn vào cuộc họp của các cụ người cao tuổi, đỏ mặt tía tai mà quát tháo đám thanh niên quét dọn vệ sinh đường làng mỗi cuối tuần vì làm… bụi bay vào mắt lão. Lão còn thẳng chân đá văng mõm con chó nhà hàng xóm, vì cứ ngửi thấy hơi lão từ xa là sủa như báo cáo thành tích với chủ.

...

Cùng ngồi ngẫm lại về một người làng chẳng may đột tử, ông giáo và bác Bí thư chi bộ lại càng thêm trầm ngâm. Việc thì đã gấp rồi, đành nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng thật là: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, khó thật đấy thầy giáo ạ!” – Bác Bí thư chi bộ lắc đầu chia sẻ với người bạn già.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/viec-kho-phai-lam/24671.htm