Việc làm bấp bênh

Cần cải tiến các chính sách việc làm, cơ chế tiền lương, hướng đến phát triển việc làm bền vững, bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động

Lương của người lao động (NLĐ) chưa đủ sống, việc làm bấp bênh; các chính sách dạy nghề, việc làm chưa đồng bộ, còn bất bình đẳng... Những hạn chế này đã được đưa ra bàn luận tại hội thảo "Hoàn thiện các quy định của pháp luật về chính sách thúc đẩy việc làm và tạo việc làm bền vững cho NLĐ" do Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ở TP HCM mới đây.

|
Thu nhập thấp, công nhân phải chi tiêu dè sẻn

Tăng lao động, nhiều sức ép

Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, cả nước đã tạo việc làm cho 17,1 triệu lao động, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm trên 90%. Sự gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp (DN) đã góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ.

Tuy vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, 2 vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt là tiền lương thấp và việc làm bấp bênh. Cụ thể, dù thường xuyên cải cách tiền lương nhưng mức lương tối thiểu của NLĐ chỉ đáp ứng 60%-65% nhu cầu sống tối thiểu trong nước và bằng 45% so với mức bình quân của khu vực ASEAN. Trong khi đó, các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm còn tản mạn; một bộ phận NLĐ chưa có việc làm bền vững.

Theo Viện Nghiên cứu lập pháp, những năm gần đây, lao động làm công ăn lương tăng khoảng 500.000 người/năm, gần bằng số mới gia nhập lực lượng lao động. Dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động cả nước tăng lên 61,8 triệu (hiện là 50,3 triệu người), tăng bình quân 700.000 người/năm.

TS Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng tạo việc làm ổn định cho số lao động này là một thách thức. "Chính sự gia tăng không ngừng của lực lượng lao động đã gây sức ép lên các chính sách việc làm. Hiện nay, hơn 60% lao động không được hưởng lợi từ các hệ thống bảo trợ xã hội do làm việc ở khu vực nông nghiệp và phi chính thức" - ông Điều cho biết.

Cần nhiều chính sách đồng bộ

Vấn đề tạo việc làm bền vững, bảo đảm bình đẳng và thúc đẩy cơ hội việc làm cho NLĐ là mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020.

TS Đặng Quang Điều nhìn nhận hoàn thiện chính sách pháp luật về việc làm là nền tảng thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực lao động, việc làm. Do vậy, dự thảo Luật Việc làm (dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp tới) cần được xây dựng theo hướng mở rộng diện bao phủ và điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc làm, thị trường lao động, hoàn thiện cơ chế điều chỉnh tiền lương, cải cách thể chế thị trường lao động linh hoạt. Ông góp ý: "Nhà nước cần tích cực hỗ trợ và bảo đảm sự tham gia của các nhóm đối tượng vào thị trường lao động; mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống bảo trợ xã hội, an sinh xã hội và đào tạo đối với NLĐ khu vực phi chính thức".

Các chính sách việc làm hiện chưa bao phủ hết các đối tượng và còn bất bình đẳng đối với nhóm lao động yếu thế, đặc thù, nhất là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nông thôn. Bà Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng lao động là người dân tộc thiểu số và khuyết tật còn hạn chế tiếp cận với thị trường lao động. Do đó, nhà nước cần có nhiều ưu đãi để thu hút DN đầu tư tại các vùng khó khăn, miền núi để tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số; đồng thời bổ sung chính sách tín dụng, hỗ trợ DN để khuyến khích họ tạo việc làm cho người khuyết tật.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20130906094550656p1010c1051/viec-lam-bap-benh.htm