Việc làm cần khuyến khích

Theo quy định, đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư, thời hạn bảo hành tối thiểu là 24 tháng, tối đa là 48 tháng, tùy từng cấp công trình.

Trên thực tế, hầu hết các nhà thầu đều muốn rút ngắn thời hạn bảo hành để tối đa hóa lợi nhuận. Bởi vậy, việc Tập đoàn Sơn Hải (tỉnh Quảng Bình) vừa gửi công văn đến Bộ Giao thông vận tải đề nghị cam kết bảo hành 10 năm (120 tháng) đối với những gói thầu trên các tuyến cao tốc đang được đơn vị thi công đã thu hút sự chú ý của dư luận. Cũng cần nói thêm, đây không phải lần đầu tiên mà năm 2014, Tập đoàn này đã có văn bản cam kết bảo hành 5 năm (60 tháng) đối với các gói thầu thuộc Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 do mình thi công. Để người dân giám sát, đơn vị đã cắm biển công khai ghi rõ cam kết bảo hành tại các tuyến đường này.

Gói thầu bảo hành 5 năm trên Quốc lộ 1A do Tập đoàn Sơn Hải thi công. Ảnh: sggp.org.vn

Gói thầu bảo hành 5 năm trên Quốc lộ 1A do Tập đoàn Sơn Hải thi công. Ảnh: sggp.org.vn

Trên một số diễn đàn, phần lớn ý kiến của những người đã và đang thường xuyên lưu thông trên các đoạn tuyến thuộc Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 do Tập đoàn Sơn Hải thi công đều thừa nhận chất lượng công trình đến nay vẫn rất tốt, đồng thời biểu thị sự tin tưởng đối với doanh nghiệp. Tuy vậy, cũng có một vài trường hợp cho rằng doanh nghiệp dùng chiêu cam kết bảo hành lên tới 10 năm nhằm... đánh bóng tên tuổi (!?)

Có một thực tế là những năm qua, không ít công trình xây dựng, giao thông, trong đó có cả công trình “nghìn tỷ” vừa hết hạn bảo hành đã hư hỏng, xuống cấp, khiến Nhà nước phải bỏ ra khoản kinh phí lớn để sửa chữa, khắc phục. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng này là do những hạn chế, tiêu cực ở khâu thi công, trong khi thời hạn bảo hành công trình chưa đủ dài. Vì thế, việc doanh nghiệp tự nguyện nâng thời hạn bảo hành lên gấp nhiều lần so với quy định, cam kết tự bỏ kinh phí sửa chữa nếu công trình hư hỏng là việc làm rất đáng trân trọng, khuyến khích, thể hiện uy tín, ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Lẽ thường, nếu doanh nghiệp không làm ăn đàng hoàng, bảo đảm chất lượng công trình thì sẽ không bao giờ chủ động đề nghị kéo dài thời hạn bảo hành để đánh bóng tên tuổi. Bởi nếu công trình kém chất lượng, xảy ra hư hỏng thì không chỉ mất tiền sửa chữa mà thương hiệu, uy tín cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chỉ riêng đường cao tốc, cả nước phấn đấu đến năm 2025 có 3.000km, năm 2030 là 5.000km và đạt hơn 9.000km vào năm 2050. Một yêu cầu quan trọng đặt ra là đi đôi với số lượng thì phải đặc biệt quan tâm bảo đảm chất lượng công trình. Điều này sẽ có được nếu xuất hiện nhiều hơn nữa những doanh nghiệp cam kết kéo dài thời hạn bảo hành công trình như Tập đoàn Sơn Hải. Các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích, bảo vệ những doanh nghiệp, nhà thầu như thế trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết, tránh tình trạng lợi dụng để “nổ” với mục đích xấu. Mặt khác, đây cũng là cơ sở thực tiễn để nghiên cứu điều chỉnh, nâng thời hạn bảo hành bắt buộc đối với các công trình nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả dự án.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/viec-lam-can-khuyen-khich-710655