Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Ở những đơn vị, doanh nghiệp, bên cạnh việc đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động thì nâng cao đời sống tinh thần là hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, khía cạnh này được quan tâm đã trực tiếp tăng thêm hiệu quả của quá trình lao động sản xuất. Nhiều sân chơi bổ ích mở ra đã góp phần xây dựng thêm nét đẹp văn hóa trong đội ngũ công nhân lao động, tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp và người lao động xích lại gần nhau.

Nhân rộng các mô hình hay

Từ lâu, các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động (NLÐ) ngày càng được các cấp công đoàn và chủ doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chú trọng. Giải bóng đá Mini trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) do Công đoàn ngành Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức là một ví dụ.

Người lao động ngành GTVT tham gia giải bóng đá Mini trong CNVCLĐ sau giờ làm việc. Ảnh: Giang Nam

Người lao động ngành GTVT tham gia giải bóng đá Mini trong CNVCLĐ sau giờ làm việc. Ảnh: Giang Nam

Nếu như trước kia, trong giữa giờ nghỉ hoặc ngày nghỉ cuối tuần NLĐ Công ty CP công trình Giao thông 2 Hà Nội sẽ tìm cho mình một chỗ nghỉ ngơi, uống nước, tranh thủ đọc báo, lướt web hay trò chuyện cùng nhau… thì nay cả tập thể công ty lại hồ hởi tham gia giải bóng. Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Lê Thị Hồng Hạnh, từ lâu công ty đã được biết tới như là một trong những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn chăm lo tốt đời sống NLĐ.

Minh chứng là, 100% CNVCLĐ công ty được đảm bảo các chế độ BHXH, BHYT, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 7,0 triệu đồng/người/tháng… Đặc biệt, để nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ, nhiều phong trào đoàn thể thiết thực và bổ ích được tổ chức định kỳ, tạo khí thế phấn khởi trong CNVCLĐ công ty.

Theo bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội, giải bóng đá Mini trong CNVCLĐ ngành GTVT là một trong những hoạt động thể thao thường niên được tổ chức. Mục đích chính của giải đấu nhằm tăng cường giao lưu kết nối đoàn viên, NLĐ làm việc trong các đơn vị thuộc Công đoàn ngành GTVT Hà Nội, tạo sân chơi lành mạnh cho phong trào thể dục thể thao nói chung và bóng đá nói riêng của NLĐ ngành GTVT Hà Nội. Giải đấu tiếp tục khẳng định phong trào thể dục thể ngành GTVT ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu.

Còn theo ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội, giải bóng đá năm nay thu hút sự tham gia của 12 đội tuyển đến từ 14 công đoàn cơ sở thuộc ngành. Điểm nhấn năm nay ngoài cơ cấu giải thưởng tăng, các lượt trận thi đấu đều được diễn ra ngoài giờ hành chính, không làm ảnh hưởng đến công tác lao động sản xuất… thì đội tuyển vào chung cuộc mạnh nhất sẽ đại diện ngành tham gia thi đấu “sân chơi lớn” là Giải Bóng đá CNVCLĐ Cúp báo Lao động Thủ Đô lần thứ V thời gian sắp tới.

Thời gian tới, bên cạnh giải bóng đá, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục tổ chức “Hội thi công nhân duy tu, sửa chữa đường bộ giỏi trong CNVCLĐ ngành GTVT”; Phối hợp với Trường Trung cấp Nghiệp vụ công đoàn và Dạy nghề và Công ty CP Công trình Giao thông 2 tổ chức 02 lớp An toàn vệ sinh lao động năm 2019…

Một mô hình khác, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ là thành lập các “Điểm sinh hoạt văn hóa” do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức. Theo đó, LĐLĐ Thành phố đã thành lập 34 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trong đó 29 điểm tại đơn vị, doanh nghiệp; 3 điểm tại khu dân cư và 2 điểm tại khu công nghiệp.

Không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hóa này còn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động. Theo đánh giá bước đầu, đây là mô hình sinh hoạt văn hóa cho kết quả tốt, đáp ứng nguyện vọng của công nhân lao động, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội trong công nhân.

Tạo tâm thế phấn khởi trong lao động sản xuất

Thực tế có thể thấy, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần sẽ tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho công nhân lao động, giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị sản xuất ổn định, thực sự quan tâm chăm lo đến đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ, ở đâu đó vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến lợi ích thiết thực của NLĐ.

Nguyên nhân thực trạng này được cho là do chủ doanh nghiệp chưa đánh giá đúng mức ảnh hưởng tích cực của việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ. Mặt khác, do việc sản xuất kinh doanh một số doanh nghiệp chưa ổn định, quá trình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện chăm lo. Ở những doanh nghiệp tỷ lệ lao động thời vụ chiếm phần lớn cũng chưa quan tâm, chăm lo đúng mức đời sống tinh thần cho NLĐ.

Trở lại với những mô hình hiệu quả góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ, hiện công tác nâng cao đời sống tinh thần cho lao động nữ cũng đang được không ít đơn vị chú trọng. LĐLĐ quận Nam Từ Liêm là ví dụ. Theo đó, đơn vị hiện đang quản lý 182 Công đoàn cơ sở, trong đó 41 Công đoàn cơ sở có số lượng lao động nữ chiếm trên 50%. Qua khảo sát, 97,4% lao động nữ đã được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm.

Phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 năm/1 lần và khám chuyên sâu sức khỏe sinh sản cho lao động nữ. Đáng chú ý, các Công đoàn cơ sở quận Nam Từ Liêm đã thành lập Ban Nữ công quần chúng, trong đó nhiều doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách.

Chị Đào Thị Bích Việt – Cán bộ nữ công Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO Việt Nam cho biết: Số lượng lao động nữ của Tập đoàn khoảng hơn 500 người. Bên cạnh các chính sách chăm lo cho lao động nữ, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã góp phần phát huy vai trò của lực lượng nữ CNVCLĐ.

Trên địa bàn Sơn Tây, mới đây LĐLĐ Thị xã đã phối hợp với Trung tâm Y tế, Hội Phụ nữ thị xã tổ chức chương trình truyền thông tầm soát phát hiện sớm ung thư vú và các bệnh phụ khoa cho 300 nữ CNVCLĐ độ tuổi từ 35 - 60 đến từ các công đoàn cơ sở trên địa bàn.

Tại buổi truyền thông, các nữ CNVCLĐ được nghe bác sỹ truyền đạt các dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách phòng tránh bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung; hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, các chế độ dinh dưỡng… Qua đó, giúp cho các chị em có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân trong gia đình.

Sau khi được tuyên truyền những kiến thức cơ bản, các nữ đoàn viên được các y, bác sỹ khám lâm sàng và lấy tiêu bản xét nghiệm tế bào để phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Các mẫu xét nghiệm sẽ được gửi về Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để đọc kết quả. Sau đó, kết quả sẽ được gửi tới chị em, những trường hợp cần thiết sẽ được tư vấn để can thiệp sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Thủy – Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây cho biết, đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh ung thư trên cả nước và cũng là một trong những hoạt động thiết thực của LĐLĐ thị xã nhằm nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn, nhất là đối với nữ CNVCLĐ trên địa bàn.

Rõ ràng, những hoạt động chăm lo đời sống tinh thần đã trực tiếp góp phần tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp và NLĐ xích lại gần nhau. Điều này càng quan trọng khi mà ở thời kỳ hội nhập, các khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.

Vì vậy, việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ càng cần được quan tâm nhiều hơn nữa, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tự tin, năng động.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/viec-lam-nho-y-nghia-lon-88711.html