Việc luận tội một tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào?

Một bài bình luận gần đây trên AFP cho rằng, tuyên bố ngày 24/9 về việc những người của đảng Dân chủ tại Hạ viện chính thức điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump về cáo buộc lạm dụng quyền lực là một 'canh bạc' đặt cược lớn với hệ quả khó đoán.

6 ủy ban của Hạ viện hiện đã đang tiến hành điều tra Tổng thống Trump. (Nguồn: EPA-EFE)

Hunter Biden - "giọt nước" làm tràn ly

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Dân chủ, đã tỏ ra không mấy quan tâm tới việc luận tội tổng thống trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Tuy nhiên, vụ việc chính trị liên quan tới việc Tổng thống Trump tìm cách ép Ukraine tiến hành cuộc điều tra đối với Hunter Biden, con trai của ứng cử viên đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Joe Biden - đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, là "giọt nước làm tràn ly" khiến người đứng đầu đảng Dân chủ tại Hạ viện quyết định làm như vậy.

Bà Pelosi cho biết, 6 ủy ban của Hạ viện hiện đã đang tiến hành điều tra Tổng thống Trump trong nhiều lĩnh vực và sẽ tiếp tục thực hiện các tiến trình này để luận tội Tổng thống. Bà Pelosi nói: "Tổng thống sẽ phải chịu trách nhiệm. Không ai được phép đứng trên luật pháp".

Hơn 150/235 thành viên của đảng Dân chủ tại Hạ viện gồm 435 ghế đã bày tỏ ủng hộ việc luận tội tổng thống hay việc mở một cuộc điều tra để cách chức người đứng đầu nhánh hành pháp. Không có thành viên nào của đảng Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ việc luận tội và đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Thượng viện, điều này khiến Tổng thống nhiều khả năng sẽ không bị kết tội.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump đã có tweet rằng, việc luận tội là hành động "quấy rối tổng thống" và là "cuộc săn phù thùy rác rưởi". Chưa có tổng thống Mỹ nào bị cách chức vì bị luận tội, nhưng việc đe dọa sẽ bị luận tội từng khiến một tổng thống Mỹ bị hạ bệ. Cựu Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 để tránh bị cách chức do vụ bê bối Watergate. Ngoài ra, hai tổng thống Mỹ từng bị ảnh hưởng bởi thủ tục này: Hạ viện chính thức luận tội Tổng thống Andrew Johnson năm 1868, và luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1998, nhưng cả hai đều không bị kết tội tại Thượng viện.

Luận tội diễn ra như thế nào?

Nếu các nghị sỹ cho rằng một tổng thống phạm phải tội mà Hiến pháp Mỹ gọi là "tội phản quốc, nhận hối lộ, hay những tội nhẹ và tội ác nghiêm trọng khác", thủ tục luận tội sẽ bắt đầu được tiến hành ở Hạ viện.

Bất kể thành viên nào cũng có thể đề xuất việc tiến hành luận tội tổng thống, và giống với bất kỳ dự luật nào khác, đề xuất này sẽ được đệ trình lên một ủy ban. Ủy ban này có thể xem xét những chứng cứ mà họ nhận được, hoặc tự tiến hành một cuộc điều tra riêng. Nếu bằng chứng đủ mạnh, ủy ban này sẽ soạn ra những điều khoản để luận tội - về mặt chính trị tương đương với các cáo buộc - và gửi tới toàn bộ Hạ viện. Hạ viện có thể cho thông qua những điều khoản này bằng cách đạt được đa số phiếu ủng hộ "luận tội" tổng thống.

Những điều khoản này sau đó sẽ được trình lên Thượng viện, nơi việc xét xử sẽ được tiến hành, với các đại diện từ Hạ viện làm việc như những công tố viên, còn tổng thống cùng các luật sư của ông sẽ biện hộ. Chánh án Tòa án Tối cao sẽ điều khiển phiên xét xử tại Thượng viện. Thượng viện gồm 100 thành viên sau đó sẽ bỏ phiếu về các cáo buộc, phải cần tới đa số 2/3 ủng hộ để có thể kết tội và cách chức tổng thống. Nếu tổng thống bị kết tội, phó tổng thống sẽ tiếp quản Nhà Trắng.

Hạ viện Mỹ liệu có thể "thắng" ông Trump? (Nguồn: CBS)

Các tổng thống phải đối mặt với những cáo buộc nào?

"Những tội nhẹ và tội ác nghiêm trọng" được ghi trong Hiến pháp có nội hàm rất rộng. Trong trường hợp của Tổng thống Clinton và Tổng thống Nixon, các công tố viên độc lập thực hiện các cuộc điều tra sâu và thu thập các bằng chứng chứng minh cho các cáo buộc.

Tổng thống Nixon bị cáo buộc cản trở thực thi công lý, lạm dụng quyền lực và coi thường pháp luật. Tổng thống Clinton, trong vụ bê bối Monica Lewinsky, bị buộc tội khai man và cản trở thực thi công lý.

Tổng thống Trump có thể đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực vì sử dụng vị trí tổng thống của mình để ép Ukraine thực hiện cuộc điều tra xuất phát từ động cơ chính trị nhằm vào ông Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden - người từng có hoạt động kinh doanh ở Ukraine. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, cũng đã nêu chi tiết nhiều ví dụ cho thấy Tổng thống Trump bị cho là đã cản trở thực thi công lý.

Thủ tục này liên quan tới pháp luật hay chính trị?

Cáo buộc phạm phải "tội nhẹ và tội ác nghiêm trọng" có liên quan tới một loạt hành vi sai trái - không chỉ là việc đơn thuần vi phạm các tội được nêu ra trong bộ luật hình sự. Ví dụ, việc nghỉ việc trong suốt 1 năm không phải là hành vi phạm pháp nhưng chắc chắn sẽ dẫn tới việc tổng thống bị luận tội vì không hoàn thành nghĩa vụ của mình theo quy định của Hiến pháp.

Và mặc dù cần có những bằng chứng mạnh đủ sức thuyết phục, tiến trình luận tội thực chất lại mang bản chất chính trị, không phải tội phạm. Trong các lần luận tội trước đây, sự ủng hộ và phản đối phụ thuộc vào đảng phái chính trị. Mặc dù vậy, trong trường hợp của Tổng thống Nixon, sự tấn công quá mạnh tới nỗi đảng Cộng hòa ủng hộ ông nhanh chóng bị tan rã.

Trong trường hợp của Tổng thống Clinton, đảng Cộng hòa kiểm soát toàn bộ Quốc hội. Nhưng khi kết tội thì được trình lên Thượng viện, 45 Thượng nghĩ sỹ của đảng Dân chủ đã đoàn kết để ngăn chặn Thượng viện đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ để kết tội Tổng thống.

Trong trường hợp của Tổng thống Trump, đảng Dân chủ đang bị chia rẽ vì nhiều lý do chính trị. Bà Pelosi đã lập luận rằng việc luận tội Tổng thống Trump sẽ chẳng đi tới đâu khi Thượng viên nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, và điều này có thể ảnh hưởng tới nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm kiểm soát toàn bộ Quốc hội và Nhà Trắng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11/2020. Những người khác trong đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống Trump cần phải chịu trách nhiệm - đó là điều những cử tri ủng hộ đảng Dân chủ yêu cầu.

TH

(theo AFP)

TH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viec-luan-toi-mot-tong-thong-my-dien-ra-nhu-the-nao-101709.html