Việc nghiên cứu vắcxin phòng dịch tả lợn đã có kết quả bước đầu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang rất tích cực nghiên cứu vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi và đã có kết quả bước đầu.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Chiều 13/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, với sự tham gia của nhiều địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Loading

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã có tại 55 tỉnh, thành phố; với đàn lợn bị tiêu hủy 2,5 triệu con, bằng 7,5% tổng đàn lợn của cả nước. Đây là thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Trong các giải pháp đã triển khai thì an toàn sinh học vẫn phát huy hiệu quả tốt nhất, hiệu quả.

"Ngoài ra, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang rất tích cực nghiên cứu vắcxin phòng dịch và đã có kết quả bước đầu. Cụ thể, Học viện đã đưa ra loại vắcxin bước đầu khảo nghiệm và có được kết quả khả quan ở phạm vi thí nghiệm. Bộ đang chỉ đạo Học viện tiến hành ở quy mô rộng hơn, nếu kết quả tốt thì có thể chuyển sang giai đoạn 2 là tổ chức sản xuất thương mại vắcxin," Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, một số mô hình chăn nuôi đã áp dụng chế phẩm ức chế vi khuẩn phối kết hợp cùng nâng cao thể trạng của đàn lợn và biện pháp an toàn sinh học, cho đến nay đã có kết quả tích cực.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây, để không bị động về mất cân đối thực phẩm, cần phải tập trung phát triển các nhóm thực phẩm khác khi dịch bệnh ổn định, cụ thể là phát triển gia cầm, thủy sản, đại gia súc...

Về vấn đề này, Bộ đã triển khai cách đây hơn 2 tháng. Cho đến nay, đàn gia cầm tăng rất nhanh, kể cả trứng và sữa; đại gia súc tăng chậm hơn vì chu kỳ chăn nuôi dài.

Đáng chú ý, ngay từ bây giờ phải đảm bảo đàn lợn giống cụ, kỵ và ông, bà. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ 240 cơ sở nuôi đàn giống hạt nhân này có đủ điều kiện nuôi an toàn sinh học tốt nhất, giữ bằng được đàn giống gốc này. Khi dịch bệnh ổn định, sẽ tăng nhanh việc tái đàn. Vấn đề này đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc, kiên quyết bảo vệ đàn giống.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm Bộ cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp cho từng loại lợn (đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại lợn khác).

Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi (tương đương 66% giá thành).

Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi tương đương 79% giá thành.

Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn, sát với chi phí thực tế mà người dân bỏ ra để chăn nuôi lợn; công bằng hơn giữa các địa phương và khả thi hơn trong điều kiện dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy lớn; hạn chế tình trạng khai báo và xác định không chính xác giữa các loại lợn.

Phun tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện đi vào vùng dịch. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, hỗ trợ chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà đến ngày 31/12/ 2019 với mức 500.000 đồng/con. Hiện nay, cả nước có khoảng 120.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà được nuôi ở 240 cơ sở sản xuất lợn giống. Đây làn đàn lợn giống, có chất lượng cao, giá trị lớn, phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất ra lợn bố mẹ...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay thời gian qua, nhiều địa phương vẫn lơ là trong việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại nhiều địa phương còn rất nhiều bất cập như các cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát, kiểm dịch chưa đúng quy định; chưa chủ động khai báo khi phát hiện lợn bệnh; việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh không đúng quy định...

Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương rà soát lại và hoàn chỉnh ngay các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ khác nhau, đồng thời, khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y.

Bên cạnh đó, thành lập các đội tiêu hủy lợn mang tính chuyên nghiệp, triển khai nhanh, chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh và không gây ô nhiễm môi trường.

Các địa phương thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyện động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam.

Theo số liệu thống kê tính đến ngày 11/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.980 xã, 407 huyện của 55 tỉnh, thành phố (mới nhất là Thành phố Hồ Chí Minh); tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 2,5 triệu con, với trọng lượng 147.260 tấn.

TTXVN/VN+

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/viec-nghien-cuu-vacxin-phong-dich-ta-lon-da-co-ket-qua-buoc-dau-post28413.html