Việc phát triển khí tự nhiên hóa lỏng có thể gây thiệt hại 1,3 nghìn tỷ USD

Báo cáo mới nhất của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) cho biết, công suất xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần và tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại khoảng 1,3 nghìn tỷ USD giá trị tài sản bị mắc kẹt.

Công suất khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần và có giá trị lên đến 1,3 nghìn tỷ USD vốn đầu tư cơ bản.

Khí LNG hủy hoại khí hậu hơn cả CO2

Theo báo cáo của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM), công suất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu đang tăng gấp 3 lần do sản lượng khai thác tại Bắc Mỹ và nhập khẩu tại châu Á tăng vọt. Trong đó, ít nhất 202 dự án kho cảng LNG đang được phát triển trên toàn thế giới, bao gồm 116 cảng xuất khẩu và 86 cảng nhập khẩu.

Các cảng xuất khẩu chủ yếu tập trung phát triển tại Mỹ và Canada, trong khi các cảng nhập khẩu đang được phát triển ở 42 quốc gia trên toàn cầu, dù 22 nước bị đánh giá chưa có năng lực nhập khẩu.

Theo đánh giá của tổ chức GEM, các cảng LNG đang được phát triển sẽ đại diện cho 1,3 nghìn tỷ USD vốn đầu tư cơ bản, bao gồm 70% đến từ các cảng xuất khẩu ở khu vực Bắc Mỹ và đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ (507 tỷ USD), Canada (410 tỷ USD).

Nếu đo lường theo các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, quy mô của LNG đang ngang bằng hoặc lớn hơn sự mở rộng của các nhà máy nhiệt điện than, chủ yếu do lượng phát thải khí metan sinh ra ở tất cả các giai đoạn của chu trình sản xuất và cung cấp khí.

Khí metan vốn là thành phần chính trong khí tự nhiên và chiếm khoảng 25% các nhân tố gây ra hiện tượng nóng lên trên toàn cầu hiện nay.

Báo cáo của GEM đã sử dụng nhân tố cưỡng bức khí hậu được Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đề cập. Theo đánh giá của Báo cáo, khí metan hủy hoại khí hậu mạnh hơn khí CO2 đến 86 lần trong giai đoạn 20 năm và khoảng 34 lần trong giai đoạn 100 năm.

Từ năm 2014, nồng độ khí metan trong không khí đã tăng cao và các nhà khoa học đã kêu gọi toàn thế giới khẩn cấp giảm lượng phát thải loại khí này.

Metan (hay Methane) là thành phần chính của khí tự nhiên LNG.

Thế giới vẫn còn cơ hội tránh hiểm họa từ khí LNG

Do chi phí của các lựa chọn năng lượng tái tạo đang giảm xuống nên sự mở rộng của cơ sở hạ tầng LNG sẽ đặt ra những câu hỏi về tính khả thi của tài chính trong dài hạn và rủi ro của tài sản bị mắc kẹt.

Sự mở rộng cơ sở hạ tầng LNG trên quy mô lớn sẽ khóa chặt chúng ta vào việc phát triển khí tự nhiên, trong khi việc thực hiện Hiệp định Paris để hạn chế sự nóng lên của trái đất đang yêu cầu giảm tiêu thụ khí tự nhiên. So với năm 2020, toàn thế giới cần giảm tiêu thụ 15% khí tự nhiên trước năm 2030 và giảm 43% trước năm 2050.

May mắn là hiện tại mới có 8% công suất đang phát triển đã chuyển qua giai đoạn quyết định đầu tư cuối cùng trước khi bước vào giai đoạn xây dựng. Nói cách khác, chúng ta vẫn còn cơ hội để tránh việc xây dựng cơ sở hạ tầng LNG quá mức.

Thế giới cần ngừng phát triển cơ sở hạ tầng LNG để bảo vệ khí hậu toàn cầu.

Giám đốc điều hành của tổ chức GEM, ông Ted Nace cho biết: “Sự phát triển bùng nổ của LNG đang diễn ra nhanh đến khó tin ngay khi sự ảnh hưởng của khí metan đang diễn ra cực kỳ tệ hại so với nhận thức trước đây của chúng ta...

Ngay cả bây giờ, vẫn có những ý kiến cho rằng, khí tự nhiên sẽ đóng vai trò như một cầu nối chuyển sang năng lượng tái tạo, một điều hoàn toàn đối nghịch với thực tế.

Tin tốt cho chúng ta là hầu hết các dự án LNG vẫn đang ở giai đoạn tiền xây dựng. Chính vì thế, chúng ta vẫn còn thời gian để ngừng phát triển cơ sở hạ tầng LNG, trước khi chúng ta tự khóa mình vào những thiệt hại về khí hậu không thể đảo ngược”.

Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) là một mạng lưới các nhà nghiên cứu cùng phát triển thông tin về các dự án về hóa thạch và năng lượng thay thế. Hệ thống dữ liệu của GEM đang được sử dụng bởi Bloomberg Terminals, Ngân hàng Thế giới, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và các tổ chức khác.

Dịch Phong (Ảnh: Internet)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/viec-phat-trien-khi-tu-nhien-hoa-long-co-the-gay-thiet-hai-13-nghin-ty-usd.html