Việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi như dự thảo Luật Chính phủ trình, kế thừa tên gọi của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, trong quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc, phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Quốc phòng. Lực lượng dự bị động viên gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và cho rằng dự thảo Luật lần này đã được nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý tương đối toàn diện các vấn đề được đại biểu Quốc hội góp ý.

Các đại biểu cho rằng, về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa phù hợp. Các quy định đã được bám sát nguyên tắc, chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên đã bám sát tình hình, đặc thù trong công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động

Độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Một số ý kiến đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi cho phù hợp với thực tiễn; có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp, khó khăn trong sắp xếp đơn vị dự bị động viên, không thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng...

Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) đồng tình với quy định như trong dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, hiện nay, nguồn quân nhân dự bị rất dồi dào, chiếm 8% so với dân số, với độ tuổi từ 40 trở xuống. “Xuất phát từ thực tiễn nguồn quân nhân dự bị dồi dào hiện có và yêu cầu sử dụng quân đội theo hướng tinh-gọn-mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, dự thảo quy định độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình là phù hợp”, đại biểu phân tích song cũng lưu ý, do lực lượng này đông nên quá trình tổ chức thực hiện, sắp xếp cần bảo đảm chất lượng, theo hướng ưu tiên tuyển chọn từ cao trở xuống.

Không đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu lên thực tế hiện nay, quân nhân dự bị thường đi làm ăn xa, khó khăn trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý đơn vị dự bị động viên và kêu gọi huấn luyện, diễn tập, báo động, kiểm tra hằng năm. Nếu quá 35 tuổi không được sắp xếp vào các đơn vị này thì rất khó khăn cho địa phương. Theo đại biểu, thực tế qua khảo sát ở địa phương, đơn vị chỉ có khoảng 50-60% quân nhân dự bị được sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị trên địa bàn. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên trong thời bình, bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật khác và sát với tình hình thực tế của địa phương.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho rằng, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì nguồn đối tượng này nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; còn độ tuổi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự.

“Đặc biệt, việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên. Khi có chiến tranh, việc gọi quân nhân dự bị vào phục vụ tại ngũ thực hiện theo hai luật trên và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội, để tránh trùng lặp và bảo đảm thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý như Điều 17 dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ.

Quy định tỷ lệ dự phòng từ 10% đến 15% là cần thiết

Ngoài ra, tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên (Điều 13) cũng là nội dung được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Một số ý kiến cho rằng, quy định tỷ lệ dự phòng từ 10% đến 15% là thiếu căn cứ và khó khả thi; một số ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ lên 15% đến 20%; có ý kiến đề nghị giảm tỷ lệ này xuống để tránh tốn kém và lạm dụng trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng quy định “Đơn vị dự bị động viên phải duy trì đủ quân số quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15%” là không khả thi. Đại biểu đề nghị cân nhắc lại cho phù hợp với thực tế để dễ dàng cho địa phương quản lý quân nhân dự bị.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) lại cho rằng, tỷ lệ dự phòng 10-15% như dự thảo luật là phù hợp. Đại biểu nhấn mạnh, quân nhân dự bị phần lớn là trụ cột trong gia đình, số đông thường đi làm ăn xa; quá trình huy động không thể có mặt do ốm đau, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc các trường hợp bất khả kháng...nên cần thiết có tỷ lệ dự phòng.

“Việc quy định tỷ lệ dự phòng 10-15% bảo đảm tính bổ sung kịp thời, bảo đảm cho đơn vị dự bị động viên hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng này cũng cần có kế hoạch huấn luyện hợp lý, để bảo đảm thường xuyên được cọ xát trong huấn luyện”, đại biểu đề nghị.

Phân tích rõ hơn về nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định tỷ lệ dự phòng tại dự thảo Luật là luật hóa Điều 10 Nghị định số 39/CP ngày 28-4-1997 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, là cần thiết, phù hợp với yêu cầu tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, bảo đảm chủ động về nguồn cho các địa phương, vì nhiều khi quân nhân dự bị có lý do chính đáng không thể thực hiện được lệnh huy động, như: bị bệnh tật, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Mặt khác, tỷ lệ này nằm trong nguồn đã đăng ký, quản lý nhưng chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên nên không làm tăng ngân sách. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Chính phủ trình.

Bổ sung các chế tài xử lý các đơn vị không tham gia lực lượng dự bị động viên

Đáng chú ý, để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, động viên quân nhân dự bị yên tâm đi làm nhiệm vụ, theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, Điều 40 dự thảo luật đã được chỉnh lý cụ thể như sau: “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức: Cơ quan, tổ chức có quân nhân dự bị làm việc, học tập phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức phải tổng động viên, động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ.

Đánh giá cao nội dung của quy định này, đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) nhấn mạnh: Đây là điểm mới, hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Vì hiện nay, pháp luật chưa có quy định hoặc ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp nơi có quân nhân dự bị làm việc, trong đó có các công ty, doanh nghiệp trong nước và công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, nhiều công ty, doanh nghiệp đã tạo điều kiện, song cũng có công ty, doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho quân nhân dự bị thực hiện nghĩa vụ khi có lệnh, do đó dẫn đến việc huy động quân nhân dự bị trong các đơn vị này để tập trung diễn tập, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu rất khó khăn...

Góp ý thêm về nội dung này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đề nghị cần bổ sung các chế tài xử lý các đơn vị, cơ quan, tổ chức không tham gia lực lượng dự bị động viên. Đồng thời, cần có kiểm tra, thanh tra, đánh giá trách nhiệm đối với các đơn vị để xử lý nghiêm minh; khen thưởng, biểu dương các đơn vị làm tốt trách nhiệm khi tham gia lực lượng dự bị động viên...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/viec-quy-dinh-do-tuoi-cua-quan-nhan-du-bi-da-duoc-danh-gia-ky-tac-dong-599667