Viêm da dị ứng ở trẻ, lựa chọn thuốc điều trị nào?

Viêm da dị ứng hay còn gọi là bệnh chàm, là một bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở trẻ em. Kiểm soát bằng các lựa chọn không dùng thuốc và dùng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của viêm da dị ứng ở trẻ.

Viêm da dị ứng là gì?

Viêm da dị ứng, hay bệnh chàm, là một bệnh viêm da mãn tính thường biểu hiện ở thời thơ ấu, mặc dù đôi khi bệnh phát triển ở tuổi trưởng thành. Ước tính khoảng 1/3 trẻ em mắc bệnh từ mức độ trung bình đến nặng và tỷ lệ hiện mắc ở trẻ em gái và trẻ em trai là như nhau. Bệnh tự khỏi khi trưởng thành ở đa số (70%) bệnh nhân.

Phương pháp điều trị viêm da dị ứng chính là dùng thuốc tại chỗ.

Viêm da dị ứng được xác định bằng phát ban ngứa đặc trưng, bao gồm một chu kỳ bùng phát - thuyên giảm. Ngứa là dấu hiệu cơ bản nhưng bệnh nhân cũng có thể có ban đỏ, phù nề, tiêu chảy. Nồng độ immunoglobulin E trong huyết thanh có thể tăng lên. Cũng có mối liên hệ giữa viêm da dị ứng và tiền sử gia đình có mắc bệnh hen suyễn và/hoặc viêm mũi dị ứng.

Phương pháp điều trị viêm da dị ứng chính là dùng thuốc tại chỗ. Những trường hợp nặng hơn cũng có thể cần đến liệu pháp trị liệu chuyên sâu hoặc dùng thuốc toàn thân. Một số thuốc bôi ngoài da thuộc các nhóm dược lý khác nhau có thể được sử dụng kết hợp để điều trị các khía cạnh khác nhau của cơ chế bệnh sinh viêm da dị ứng. Đợt cấp viêm da dị ứng, được gọi là đợt bùng phát, cần điều trị tích cực. Khi cơn bùng phát thuyên giảm, cần điều trị dự phòng.

Phương pháp điều trị viêm da dị ứng chính là thuốc bôi ngoài da, nhưng những trường hợp nặng hơn có thể cần phải điều trị chuyên sâu. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em.

Thuốc điều trị viêm da dị ứngKem dưỡng ẩm trị viêm da dị ứng

Kem dưỡng ẩm được sử dụng cho viêm da dị ứng phải không có mùi thơm và chứa lượng chất bảo quản thấp nhất để không gây kích ứng.

Điều trị ban đầu đối với các đợt bùng phát viêm da nhằm mục đích giảm viêm và làm giảm phản ứng miễn dịch để ngăn chặn quá trình trung gian gây viêm thêm. Một số lựa chọn điều trị, như kem dưỡng ẩm, hoạt động bằng cách tăng cường hàng rào bảo vệ da. Mặc dù bản thân những liệu pháp đó hiếm khi đủ để giải quyết cơn bùng phát bệnh, nhưng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát cơn bùng phát.

Việc thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày tạo ra hàng rào bảo vệ trên da và có thể giúp giảm nhu cầu điều trị chống viêm theo đơn.

Corticosteroid tại chỗ

Thuốc được khuyến cáo cho những bệnh nhân không đáp ứng với việc chăm sóc da thích hợp và sử dụng thường xuyên chất dưỡng ẩm.

Tuy nhiên, corticosteroid đường toàn thân không được khuyến cáo thường xuyên trong viêm da dị ứng dựa trên nguy cơ có thể bùng phát trở lại và tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ

Liệu pháp chống viêm thứ hai là chất ức chế miễn dịch làm giảm sự lan truyền của chứng viêm bằng cách ức chế chức năng của tế bào T. Các thuốc này được chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân viêm da dị ứng không bị suy giảm miễn dịch và không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ khác hoặc những lựa chọn điều trị khác không phù hợp. Thuốc ít có khả năng hấp thu toàn thân và ức chế miễn dịch và ít gặp phải các tác dụng phụ (teo da, bỏng rát và ngứa da) như corticosteroid.

Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ bao gồm tacrolimus và pimecrolimus. Tacrolimus là một loại thuốc mỡ, có sẵn ở hai nồng độ: 0,03% (được chấp thuận cho bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên) và 0,1% (cho những người từ 16 tuổi trở lên). Tacrolimus mạnh hơn pimecrolimus, vì vậy trở thành lựa chọn tốt hơn trong các đợt bùng phát cấp tính. Pimecrolimus có sẵn dưới dạng kem 1%, được chấp thuận cho bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên.

Thuốc kháng sinh

Nhiễm trùng da, cả vi khuẩn và virus, có thể đóng một vai trò trong các đợt bùng phát viêm da dị ứng. Trẻ em bị viêm da dị ứng được kiểm soát kém có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương và phản ứng miễn dịch được điều chỉnh. Staphylococcus aureus và virus herpes simplex (HSV) là những mầm bệnh thường gặp nhất.

Điều trị nhiễm trùng cơ bản có thể cải thiện tình trạng da và các triệu chứng của bùng phát. Nhưng lưu ý, kháng sinh toàn thân được dành riêng cho những bệnh nhân có bằng chứng lâm sàng rõ ràng về nhiễm trùng.

Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân và thuốc sinh học

Thuốc ức chế miễn dịch và các tác nhân sinh học được quan tâm đặc biệt trong quá trình phát triển thuốc mới. Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân nhắm vào một số thành phần của hệ thống miễn dịch để ngăn chặn sự kích hoạt và điều chỉnh các con đường truyền tín hiệu viêm. Chúng không phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da, nhưng hạn chế các phản ứng miễn dịch gây viêm và ngứa.

Năm 2020, thuốc sinh học dupilumab đã được phê duyệt để điều trị viêm da từ trung bình đến nặng và kiểm soát kém ở bệnh nhi từ 6 tuổi trở lên.

Thuốc kháng histamine

Việc sử dụng thuốc kháng histamine toàn thân để điều trị viêm da không được hỗ trợ rộng rãi bởi các dữ liệu và hướng dẫn hiện tại. Mặc dù thuốc kháng histamine không có vai trò trong việc giải quyết triệt để viêm da, nhưng chúng có thể hữu ích trong việc kiểm soát ngứa và ngăn ngừa tổn thương da do gãi.

Thuốc kháng histamine có tác dụng an thần, như diphenhydramine và hydroxyzine, có hiệu quả hơn trong việc giải quyết các rối loạn giấc ngủ liên quan đến ngứa, nhưng chúng nên được sử dụng thận trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do có nguy cơ mắc các phản ứng nghịch lý nghiêm trọng.

Các chất phụ gia trong thuốc kháng histamine tại chỗ có thể gây kích ứng da thêm và không có hiệu quả trong việc kiểm soát ngứa liên quan đến viêm da dị ứng.

Kem dưỡng ẩm được coi là nền tảng của việc quản lý viêm da dị ứng.

Các can thiệp không dùng thuốc

- Tắm: Tắm là một phần quan trọng của chăm sóc da duy trì cho bệnh nhân viêm da dị ứng, nhưng phải được thực hiện đúng cách. Nước giúp làm ẩm da. Tuy nhiên, nếu để bay hơi, nó có thể làm tăng sự mất nước qua biểu mô, điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm. Nhưng cần lưu ý, xà phòng có thể làm tổn thương và làm khô da, nên cần sử dụng các sản phẩm có độ pH thấp, không gây dị ứng và không có mùi thơm.

- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích hoạt dị ứng: Không phải lúc nào cũng có thể tránh được tác nhân gây kích hoạt dị ứng nhưng quan trọng là cần hạn chế bệnh nhân tiếp xúc bất cứ khi nào có thể. Cần tránh các chất cơ học, hóa học và các chất gây kích ứng khác (ví dụ, mạt bụi, len sợi, axit, nhiệt độ quá cao…).

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

BS. Nguyễn Kim Chi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//viem-da-di-ung-o-tre-lua-chon-thuoc-dieu-tri-nao-169211031152252266.htm