Viêm gan B - kẻ giết người thầm lặng

Viêm gan B là một bệnh phổ biến toàn cầu, do virus viêm gan B (HBV) gây ra, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Hơn 90% số trường hợp mắc viêm gan B có thể khỏi bệnh hoàn toàn trong giai đoạn cấp tính (6 tháng đầu kể từ khi phơi nhiễm với virus), gần 10% chuyển sang viêm gan B mạn tính, trong đó 40% sau này có nguy cơ xơ gan và ung thư gan.

Viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường chỉ bộc lộ triệu chứng khi gan chịu thương tổn nghiêm trọng. Ở giai đoạn cấp tính, bệnh ít có triệu chứng lâm sàng. Một số người có thể biểu hiện các triệu chứng như: chán ăn, mệt mỏi, vàng da, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, phân bạc màu, đau cơ... Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, lâu ngày dẫn đến biến chứng xơ gan, bệnh nhân có thể bị cổ trướng, vàng da, xuất huyết niêm mạc… và diễn tiến thành ung thư gan.

Virus HBV rất dễ lây bởi nó có thể sống ở ngoài tự nhiên đến 1 tháng. Bệnh lây chủ yếu qua 3 đường: lây qua đường máu (như truyền máu, tiêm, xăm hình, nếu dụng cụ không được khử trùng đúng cách; sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng với người bị viêm gan B…); lây qua quan hệ tình dục với người bị viêm gan B mà không có biện pháp phòng tránh an toàn; lây truyền từ mẹ sang con (phụ nữ mang thai nếu bị viêm gan B có thể truyền bệnh sang con).

Đối với viêm gan B cấp tính, điều trị chủ yếu là hỗ trợ như nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu, bia. Còn viêm gan B mạn tính, đa số phải sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần điều trị bằng thuốc, điều trị bằng thuốc cần được quyết định từ bác sĩ sau khi chẩn đoán xác định là trường hợp viêm gan B mạn cần dùng thuốc điều trị.

Việc điều trị này sẽ giúp ngăn chặn quá trình tăng sinh và hoạt động của virus, giảm nguy cơ tổn thương gan và các biến chứng về sau cũng như ngăn chặn lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh. Nếu bệnh nhân tự ý ngừng uống thuốc tải lượng virus sẽ tăng cao trở lại như trước khi điều trị, có thể sẽ gây kháng thuốc, khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn. Chính vì thế, đối với người bệnh bị viêm gan B mạn phải dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn.

Hiện nay, đã có vaccine phòng viêm gan B, để chủ động phòng bệnh cần tiêm vaccine viêm gan B cho tất cả trẻ em trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Người lớn chưa bị nhiễm HBV cũng cần tiêm vaccine phòng viêm gan B, đặc biệt là nhân viên y tế - những người có nguy cơ mắc bệnh cao trong môi trường làm việc.

Ngoài ra, cần kiểm soát đường lây của bệnh viêm gan B, bằng cách không dùng chung kim tiêm; quan hệ tình dục an toàn; tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HBV; không xăm hình, làm răng, châm cứu, xăm mắt, xăm môi... tại những cơ sở không uy tín, an toàn; phòng lây truyền từ mẹ sang con nếu người mẹ mang thai mắc viêm gan B.

Bên cạnh đó, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để chắc chắn không mắc bệnh viêm gan B. Nếu không may bị nhiễm bệnh cũng được tư vấn điều trị kịp thời, tránh chuyển sang giai đoạn mạn tính.

BS Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202108/viem-gan-b-ke-giet-nguoi-tham-lang-3070943/