Viễn cảnh kết thúc xung đột Ukraine sau phát biểu của Tổng thống hai nước Mỹ và Nga

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang ngày 21/2 vài giờ, Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu tại Ba Lan. Trọng tâm đều là về xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang trước hai viện Quốc hội tại Moskva ngày 21/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Vox, sau chuyến thăm bất ngờ tới Kiev giữa lúc xung đột đang diễn ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ dành cho UKraine.

Trước đám đông hàng nghìn người ở Warsaw, Tổng thống Biden nói rằng kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine gần một năm trước, cả thế giới phải đối mặt với một thử thách lâu dài. Ông cũng nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ và NATO trong tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng cho Ukraine.

Vài giờ trước đó tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang, trong đó giải thích lại lý do thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cáo buộc phương Tây cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine và tuyên bố ngừng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược New START.

Nhận định sau hai bài phát biểu của lãnh đạo Nga và Mỹ, ông Hans Kundnani tại tổ chức tư vấn Chatham House (Anh), nói: “Trường hợp xấu nhất là leo thang. Theo tôi, có vẻ như kịch bản tốt nhất ở đây là một cuộc chiến bất tận, trừ khi chính quyền của ông Biden thúc đẩy đàm phán”. Tuy nhiên, cả Ukraine và Nga đều không bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán ở giai đoạn này.

Các bài phát biểu đối lập ngày 21/2 là lời nhắc nhở rằng một năm sau cuộc xung đột ở Ukraine, cả Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đều đang tỏ ra quyết tâm hơn.

Ông Biden nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một ngày trước đó tại Ukraine: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các ông sẽ tiếp tục thắng thế”. Ngược lại, Tổng thống Putin khẳng định Nga không thể bị đánh bại trên chiến trường.

Từ lâu, Tổng thống Biden đã khẳng định Mỹ ủng hộ Ukraine để bảo vệ mọi giá trị. Ông nói tại Ba Lan: “Hôm nay, Tổng thống Putin đang phải đối mặt với một điều mà ông ấy không nghĩ là có thể xảy ra cách đây một năm. Các nền dân chủ thế giới đã trở nên mạnh hơn chứ không phải yếu đi”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Warsaw nhân chuyến thăm Ba Lan ngày 21/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông điệp đó đã giúp Mỹ tập hợp các đồng minh phương Tây trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ Ukraine. NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và cung cấp hàng chục tỷ USD dưới dạng viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.

Tuy vậy, các quốc gia khác lại có những lập trường đa dạng hơn, như Israel, các nước Mỹ Latinh và những nước khác như Ấn Độ từ chối ủng hộ Ukraine.

Chuyên gia Kundnani nhận định: “Thực ra, những gì cuộc xung đột này đã làm là chia rẽ các nền dân chủ trên thế giới. Rất nhiều nền dân chủ trên thế giới bên ngoài phương Tây, đặc biệt là nền dân chủ lớn nhất thế giới Ấn Độ, không nhìn nhận vấn đề theo cách đó”.

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã khiến Mỹ không còn chú ý đến Trung Quốc. Một trong những kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra sau cuộc xung đột Ukraine là hai đối thủ chính của Mỹ, Nga và Trung Quốc, sẽ đứng về phía nhau. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa cảnh báo về khả năng Trung Quốc hỗ trợ an ninh cho Nga.

Về phần mình, Tổng thống Putin đã phát biểu về mối đe dọa của chủ nghĩa quân phiệt Mỹ trên thế giới, cáo buộc Ukraine lợi dụng thỏa thuận Minsk để “câu giờ”, chuẩn bị lực lượng nhằm chống Nga.

Khía cạnh quan trọng nhất trong bài phát biểu của Tổng thống Putin là thông báo rằng Nga sẽ đình chỉ tham gia hiệp ước New START giữa Mỹ và Nga. Đây là thỏa thuận cuối cùng còn lại giữa hai nước nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân và vũ khí phi truyền thống.

Tại Hội nghị An ninh Munich thường niên vừa qua, một trong những trọng tâm là làm thế nào để Ukraine có thêm vũ khí.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhân chuyến thăm Kiev ngày 20/2/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Biden đã công bố khoản viện trợ quân sự bổ sung 500 triệu USD cho Ukraine. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, có những lo lắng về diễn biến của cuộc xung đột.

Ông Richard Fontaine tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ mới nhận định: “Có rất nhiều người lo lắng xung đột kéo dài. Phương Tây không thể duy trì hỗ trợ như hiện nay vô thời hạn. Hỗ trợ chính trị có thể giảm, kho vũ khí đang cạn dần và các nước có thể dần dần bớt hào phóng hơn. Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, Nga có thể chiếm thế thượng phong”.

Ngay cả các quan chức Mỹ rõ ràng cũng đã chuyển thông điệp này tới Ukraine. Một quan chức giấu tên của chính quyền Mỹ nói với tờ Washington Post gần đây: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng nói với họ rằng chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì và mọi thứ mãi mãi”.

Tuy nhiên, qua hai bài phát biểu ngày 21/2 , ông Jade McGlynn, nghiên cứu viên tại Đại học King’s College London, nhận định: “Khác biệt trong cách nhìn nhận cuộc xung đột này của cả hai bên khiến hòa bình gần như không thể xảy ra”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vien-canh-ket-thuc-xung-dot-ukraine-sau-phat-bieu-cua-tong-thong-hai-nuoc-my-va-nga-20230222170150100.htm