Viễn cảnh mịt mù cho Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan

VIT - Cuối tháng 2 vừa qua, nguyên thủ 3 nước Nga, Belarus, Kazakhstan đã ký kết 9 văn kiện bao gồm cả “Bộ luật hải quan Liên minh thuế quan”, đánh dấu sự thành lập chính thức của Liên minh thuế quan ba nước Nga - Belarus - Kazakhstan.

Tuy nhiên, kể từ khi chính thức đi vào vận hành vào ngày 1/1/2010 đến nay, Liên minh thuế quan ba nước này vẫn luôn lục đục. Trong mấy ngày gần đây, hai nước Nga và Belarus sẽ tổ chức một cuộc đàm phán mới về vấn đề liên minh thuế quan. Hôm 17/2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Sergei Aleinik cho biết, “giữa Belarus và Nga đã tích tụ không ít những mâu thuẫn và bất đồng, Ủy ban Liên minh thuế quan sẽ xem xét lại những mâu thuẫn và bất đồng này”. Theo ông Sergei Aleinik, trước khi thành lập Liên minh thuế quan, những mâu thuẫn và bất đồng ban đầu giữa hai nước vẫn đang tồn tại: Nga rất bất mãn trước chế độ xuất khẩu đặc biệt dành cho cá, thuốc lá và các sản phẩm rượu của Belarus. Còn Belarus lại phản đối việc hủy bỏ thuế thương mại bao gồm cả năng lượng. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng, “Thương mại năng lượng giữa Belarus và Nga thường hành sự không theo một thỏa thuận trước, Nga cố ý trưng thu thuế dầu mỏ đối với Belarus, chúng tôi không cần một đồng minh thuế quan như vậy”. Phía Nga cũng có thái độ tương tự, Phó Thủ tướng Igor Sechin thậm chí còn đe dọa trong tương lai sẽ phải thu thuế nhập khẩu khí đốt của Nga đối với Belarus. Ông Aleinik kiên quyết cho rằng, trong khuôn khổ liên minh thuế quan, thương mại song phương không nên có vấn đề về thuế quan. Bộ trưởng Tài chính Kazakhstan hôm 22/2 cũng cho biết, trong nội bộ Liên minh thuế quan ba nước Nga - Belarus - Kazakhstan thiếu phương thức phân phối thuế quan “công bằng”, ông hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết bằng chính trị. Song, việc tìm kiếm phương thức phân phối công bằng làm hài lòng các bên rất khó khăn, bởi vì các bên đầu mong muốn mình được lợi nhiều hơn. Mùa hè năm ngoái, nhiều chuyên gia kinh tế Nga đã tỏ ý nghi ngờ về tính khả thi của việc thành lập Liên minh thuế quan, luận chứng chủ yếu của họ là, Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS, Cộng đồng kinh tế Á-Âu và Hội nhập Liên minh Nga-Belarus đều đã thất bại, Liên minh thuế quan này e rằng cũng không tránh khỏi lối mòn cũ. Điều then chốt đó là giữa các nước thành viên khó mà thống nhất với nhau, ai cũng không muốn nhượng bộ. Theo các chuyên gia kinh tế Belarus, sở dĩ Liên minh thuế quan không thể vận hành hiệu quả, chủ yếu là do Nga không muốn để các nước đồng minh hưởng nguồn năng lượng của mình. Họ còn cho rằng, năng lượng đã trở thành công cụ chính trị có sức mạnh to lớn trong chính sách ngoại giao Nga, “Nga không muốn để mất vũ khí này”. Về những quan điểm bi quan của các nhà kinh tế học nói trên, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov mới đây cho rằng, thúc đẩy tiến trình hội nhập Nga - Belarus – Kazakhstan, xây dựng liên minh thuế quan và không gian kinh tế thống nhất không phải là một kế hoạch độc lập, càng không phải là nhớ lại giấc mơ xưa của Liên Xô cũ. Theo ông, Shuvalov, “Chúng tôi thường nghe thấy rằng, Liên minh thuế quan có thể mắc lại sai lầm của Xô Viết cũ. Nhưng tôi có thể nói với mọi người rằng, điều này không liên hệ gì tới Xô Viết cũ, đây là một kế hoạch hội nhập hiện đại. Sau khi Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập, đã hình thành khu kinh tế với dân số 170 triệu người, trữ lượng dầu mỏ khoảng 90 tỷ thùng, tổng số GDP đạt 2000 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 600 tỷ USD, giá trị nông nghiệp đạt 112 tỷ USD, sản lượng lúa mì chiếm 12% tổng sản lượng thế giới, kim ngạch hàng hóa bán lẻ là xuất chiếm 12% sản lượng của thế giới và lượng hàng hóa bán lẻ đạt 900 tỷ USD. Nếu việc vận hành Liên minh thuế quan được thuận lợi, sẽ có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển kinh tế của các nước thành viên. Tuy nhiên, thực tế là, ba nước luôn phát sinh những rào cản thương mại, va chạm ngày một nhiều, thậm chí đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế thương mại thông thường. Theo ý tưởng của ba nước, Liên minh thuế quan chỉ là bước đầu tiên của tiến trình hội nhập kinh tế ba bên. Từ ngày 1/7/2011, ba nước không chỉ thống nhất mức thuế quan, mà còn muốn thống nhất thị trường lao động và chính sách kinh tế vĩ mô có liên quan. Năm 2012, Liên minh thuế quan sẽ phát triển thành Liên minh kinh tế, đây là mục tiêu phát triển cuối cùng của ba nước trong việc hội nhập kinh tế. Từ tình hình hiện nay cho thấy, mặc dù Liên minh thuế quan đã chính thức khởi động, nhưng sự phát triển của nó trong tương lai vẫn tồn tại nhiều bất ổn. Cách đây không lâu, Thủ tướng Nga đã thừa nhận rằng, trong việc vận hành sau này của Liên minh thuế quan vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp và chưa giải quyết. Theo nhiều nhà phân tích, mặc dù một sự khởi đầu tốt là một nửa thành công, nhưng nhiều nhân tố bất ổn trong tương lai phát triển khiến viễn cảnh của Liên minh thuế quan trở nên u ám, không mấy lạc quan.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/quocte/la73641/default.htm