Viện nghiên cứu Syria bị tên lửa Mỹ 'băm' thành đống đổ nát

Viện nghiên cứu khoa học ở thủ đô Damascus, địa điểm được cho nơi nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa học của Syria, là một trong ba mục tiêu tấn công của Mỹ và đồng minh.

Vụ không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã biến Trung tâm Nghiên cứu Khoa học ở quận Barzeh, phía bắc thủ đô Damascus của Syria, thành đống đổ nát vào sáng 14/4. Ảnh: AFP.

Vụ không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã biến Trung tâm Nghiên cứu Khoa học ở quận Barzeh, phía bắc thủ đô Damascus của Syria, thành đống đổ nát vào sáng 14/4. Ảnh: AFP.

Đây là một trong ba mục tiêu tấn công của vụ không kích mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố là nhằm buộc chính phủ Syria chấm dứt việc sử dụng vũ khí hóa học. Hai mục tiêu còn lại là các địa điểm được cho là kho chứa vũ khí hóa học nằm ở thành phố Homs, cách Damascus hơn 140 km về phía bắc. Ảnh: AFP.

Lầu Năm Góc cho biết liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phóng tổng cộng 105 tên lửa, trong đó có 66 tên lửa hành trình Tomahawk từ 3 tàu nổi và một tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP.

Dù Bộ Quốc phòng Nga nói hệ thống phòng không Syria đã đánh chặn thành công 71 tên lửa của liên quân, trung tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, khẳng định không có tên lửa nào bị bắn hạ, theo AFP. "Syria phản ứng không hữu hiệu thấy rõ trên mọi phương diện", ông nói thêm. Ảnh: AFP.

Theo ông McKenzie, hệ thống phòng không của Syria không những không phát hiện được tên lửa đang bay tới mà vẫn cứ bắn dù các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp đã hoàn tất. Trong ảnh, một chiếc xe bus bị phá hủy bên cạnh đống đổ nát tại trung tâm nghiên cứu khoa học ở Damascus. Ảnh: AFP.

Vụ tấn công diễn ra một tuần sau khi Mỹ và phương Tây cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng chất độc thần kinh sarin tại thị trấn Douma, thuộc vùng Đông Ghouta, khiến 70 người thiệt mạng. Nga và Syria bác bỏ các cáo buộc này. Ảnh: AFP.

Đây cũng là lần thứ hai Tổng thống Trump phát động tấn công Syria, sau vụ không kích tương tự hồi tháng 4/2017. Khi đó, Washington cũng cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, từ đó đi đến quyết định tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria bằng 59 quả Tomahawk. Ảnh: AP.

Trung tâm nghiên cứu khoa học bị tấn công lần này được cho là nơi chính phủ Syria nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí hóa học và sinh học. Pháp tham gia cùng Mỹ với tuyên bố Syria đã vượt qua "lằn ranh đỏ" khi sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến bắt đầu từ năm 2011 tại nước này. Ảnh: AP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ vi phạm luật quốc tế khi thực hiện tấn công mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo ông Putin, đây là hành động gây hấn chống lại một quốc gia có chủ quyền. Ảnh: AP.

Trong ảnh là cảnh tên lửa Tomahawk chuẩn bị được phóng đi từ tàu tuần dương USS Monterey (CG 61) của Hải quân Mỹ. Các tên lửa của Mỹ phóng đi từ tàu ở Biển Đỏ và Địa Trung Hải, trong khi tên lửa của Anh và Pháp được phóng từ máy bay. Ngoài ra, Mỹ còn điều động hai máy bay ném bom B-1B. Ảnh: AP.

Tướng McKenzie nói vụ tấn công nhằm vào "trung tâm đầu não" của chương trình phát triển và sản xuất vũ khí hóa học của Syria, khiến chính quyền Assad tổn thất to lớn. Ảnh: AP.

Vị trí trung tâm nghiên cứu khoa học ở Damascus và hai mục tiêu còn lại ở Homs trên bản đồ (3 chấm xanh). Lầu Năm Góc cho biết hiện Mỹ chưa có kế hoạch tấn công tiếp theo. Đồ họa: AP.

Liên quân nã hơn 100 quả tên lửa vào Syria Sáng 14/4, Tổng thống Trump tuyên bố tấn công Syria. Liên quân Mỹ - Anh - Pháp nã hơn 100 quả tên lửa trong chiến dịch này.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vien-nghien-cuu-syria-bi-ten-lua-my-bam-thanh-dong-do-nat-post834517.html