Viện phí tăng, bệnh nhân BHYT dồn về bệnh viện tư?

Lâu nay, nhiều người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vì muốn được phục vụ tốt hơn đã đến bệnh viện (BV) tư, chấp nhận trả một khoản chênh lệch không nhỏ. Vì vậy, nếu sắp tới mức viện phí nhà nước tăng lên tương đương mức thu ở BV tư thì nhiều khả năng bệnh nhân BHYT sẽ dồn về các BV này.

Nhắm đến nguồn bệnh BHYT Hiện nay, nhiều BV công ở TP.HCM, bệnh nhân BHYT là nguồn khách chính, chiếm 60-70% lượng người bệnh đến khám chữa bệnh mỗi ngày, ở một số BV quận, huyện lượng bệnh nhân BHYT còn chiếm cao hơn nữa. Không chỉ các BV công, mà hiện các BV tư cũng nhắm đến nguồn khách là người bệnh BHYT. Đơn cử, BV Đa khoa tư nhân Triều An (TP.HCM) vừa đầu tư để triển khai tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT khoảng 1 tháng nay. Bác sĩ Dương Thanh Trắc, Phó giám đốc BV này, nói: “Xu hướng tới, tất cả các BV tư sẽ tham gia BHYT, bởi ngày càng có nhiều người mua BHYT và tiến tới BHYT toàn dân, đây sẽ là nguồn khách lớn”. Theo thống kê của BHYT TP.HCM (thuộc Bảo hiểm xã hội - BHXH), hiện có gần 40 cơ sở y tế và BV tư nhân trên địa bàn có tham gia nhận khám chữa bệnh BHYT. Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHYT TP.HCM, cho biết: “Tính đến nay, số bệnh nhân BHYT đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân chiếm 10% trong tổng số gần 4 triệu người tham gia BHYT ở TP. Thực tế ngày càng có nhiều cơ sở, BV tư tham gia khám chữa bệnh BHYT, trong khi số BV công thì gần như cố định”. Còn một bác sĩ đang công tác tại một BV tư ở TP "bật mí": “Tâm lý người bệnh BHYT thường ngán ngại về cung cách phục vụ, tiếp đón ở các BV công, nên gần đây họ đổ ra các BV tư. Do vậy, hiện nay các BV tư đang cạnh tranh với nhau, vì đây là nguồn thu không nhỏ”. BV tư khó tăng giá dịch vụ Trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM, nói: "Lâu nay, giá cả thu các loại dịch vụ, kỹ thuật y tế ở các BV tư đã được tính toán cân đối thu chi, các BV "sống" được. Vì vậy, theo tôi, nếu không có biến động lớn về giá các vật tư tiêu hao, mức lương... thì giá cả dịch vụ y tế ở BV tư sẽ không biến động, không tăng. Nếu giá dịch vụ y tế được Nhà nước nâng lên cũng không ảnh hưởng gì đến giá thu của BV tư". Tương tự, hầu hết bác sĩ làm việc ở BV tư đều cho rằng "một khi các nhà đầu tư y tế tư nhân đã đưa ra mức giá cho từng loại dịch vụ y tế thì họ đã tính toán kỹ, sau khi trừ đi mọi chi phí họ vẫn còn có lãi". Sẽ có sự cạnh tranh giữa công - tư Theo một phó giám đốc của BV Đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ: “Nhiều người bệnh BHYT ở TP vì muốn được phục vụ tốt hơn, ít chờ đợi hơn so với BV công, đã đến khám ở BV tư mặc dù phải trả chênh lệch. Nhưng số này cũng hạn chế, bởi mức trả chênh lệch còn cao về tiền khám, tiền giường... giữa BV tư với mức phí BHYT do Nhà nước quy định. Chẳng hạn trả chênh lệch tiền khám từ 30 ngàn đến ngoài 100 ngàn đồng/lần; tiền giường từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/ngày... Nhưng tới đây, khi mức phí của 350 loại dịch vụ y tế được Nhà nước nâng lên, thì mức trả chênh lệch nói trên sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí có những loại tương đương, dẫn đến có thể một lượng lớn người bệnh BHYT sẽ đổ dồn về các BV tư nếu giá các dịch vụ ở BV tư không tăng theo và khả năng chất lượng BV tư đáp ứng tốt”. Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic (TP.HCM), cũng nhìn nhận: “Ngoài việc người bệnh BHYT “né” BV công bởi cung cách phục vụ, còn có một số kỹ thuật BV công phải chuyển người bệnh sang làm tại cơ sở tư như chụp CT, MRI và một số xét nghiệm... Tại Trung tâm Medic, bình quân mỗi tháng BHYT thanh toán cho trung tâm từ 1,5 - 2 tỉ đồng tiền khám, chẩn đoán cho bệnh nhân BHYT. Tới đây, nếu giá viện phí được Nhà nước điều chỉnh nâng lên, thì sẽ rút ngắn trả chênh lệch trong khám chữa bệnh BHYT giữa "công" và "tư", điều đó chắc chắn bệnh nhân BHYT sẽ dồn về BV tư nhiều hơn”. Ở góc độ là quản lý về chi trả tiền khám chữa bệnh BHYT, bác sĩ Bùi Minh Đông, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho rằng: “Tới đây, các BV tư sẽ là đối trọng của các BV công, cạnh tranh về nguồn bệnh, đặc biệt là BHYT, vì mức trả chênh lệch sẽ được rút ngắn. Theo tôi đây sẽ là dịp để các BV công nhìn lại cung cách phục vụ đối với người bệnh BHYT lâu nay”. Tương tự, Tổng thư ký Hội Hành nghề y tư nhân, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, nói: “Trước đây, phần lớn các BV tư nhắm vào bệnh nhân chi trả trực tiếp là chính. Nhưng bây giờ là thời điểm cạnh tranh về lượng bệnh nhân BHYT giữa các BV, có cả công và tư”. Chất lượng sẽ được nâng cao? Tuy vậy, cũng có nhiều bác sĩ ở BV công cho rằng BV công chưa đến nỗi “ngán” BV tư về sự cạnh tranh nguồn bệnh nhân. Bởi vì, ngay như ở TP.HCM là nơi tập trung đông nhất các BV tư (với gần 30 BV tư), nhưng số BV tư lớn, có bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất đầy đủ thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng lưu ý: “Sự chuyển dịch một lượng bệnh nhân BHYT từ "công" sang "tư" khi giá viện phí Nhà nước tăng, có thể sẽ dẫn đến một số BV tư cũng quá tải. Nếu các BV tư không chuẩn bị đầu tư thêm về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu người bệnh. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư y tế tư nhân mạnh dạn đầu tư mới, cũng như phát triển hơn các cơ sở y tế hiện hữu. Sau bước cạnh tranh về lượng bệnh BHYT, thì các BV sẽ có sự cạnh tranh về chất lượng để giữ nguồn bệnh nhân, bởi vì hiện nay nhiều BV công cũng đang đầu tư, nhắm đến thu hút nguồn bệnh. BV tư không chăm chút, đầu tư, thì BV công cũng sẽ “hút” người bệnh trở lại”. "Người bệnh có quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh tốt và thuận tiện. Việc cạnh tranh về nguồn bệnh nhân, chuyên môn giữa BV công và BV tư, theo tôi sẽ là sự cạnh tranh lành mạnh trong thời gian tới, điều đó đem lại chất lượng và cung cách phục vụ người bệnh tốt hơn", bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), nói. Thanh Tùng

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201036/20100903003239.aspx