Viện Tim mạch QG làm chủ kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông

Lần đầu tiên, tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã tiến thành thủ thuật thay van động mạch chủ (ĐMC) qua đường ống thông (TAVI) bằng gây tê tại chỗ kết hợp an thần. Trước đó, thủ thuật phức tạp này cần sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Người bệnh sau khi được thực hiện can thiệp, sức khỏe phục hồi nhanh.

Y tá chăm sóc cho người bệnh sau can thiệp. Ảnh: VGP/Thành Dương

Bệnh nhân Trần Anh Đức (66 tuổi, Nam Định) được chẩn đoán ung Amidal tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương và có chỉ định phẫu thuật cắt Amidal kết hợp nạo vét hạch vùng. Trong khi làm các xét nghiệm đánh giá trước mổ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hẹp khít van động mạch chủ, có chỉ định chuyển tuyến sang Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai để can thiệp.

Tại Viện Tim mạch Quốc gia, kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân có hẹp khít và hở nhẹ van động mạch chủ. Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, phải thay van ĐMC nhằm cải thiện các bệnh lý tim mạch đảm bảo cho bệnh nhân đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc đại phẫu với căn bệnh ung thư Amidal.

Trước đây, phẫu thuật thay van ĐMC là cách duy nhất để giúp cải thiện các triệu chứng và tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc hẹp khít van ĐMC. Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ bệnh nhân bị hẹp van ĐMC không thể phẫu thuật do tuổi cao, sức yếu hoặc có các bệnh lý mạn tính kèm theo như bệnh phổi mạn tính, suy thận... Khoảng một phần ba bệnh nhân trên 75 tuổi có hẹp chủ khít không thể tiến hành phẫu thuật.

Tuy nhiên, kỹ thuật thay van ĐMC qua ống thông (TAVI) ra đời, đã trở thành giải pháp tối ưu cho người bệnh. TAVI là kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên năm 2002 bởi bác sĩ tim mạch can thiệp Dr.Alain Cribier. Kỹ thuật này đã được áp dụng chính thức và thường quy trong khoảng 15 năm nay. Viện Tim mạch Quốc gia đã triển khai khoảng 10 ca TAVI nhưng được thực hiện dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ nước ngoài và kỹ thuật gây mê. TAVI thay thế cho phẫu thuật giúp người bệnh không phải đối diện với cuộc mổ mở xương ức và sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể - một cuộc đại phẫu này khiến bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật lâu, thời gian nằm viện dài.

Chính vì vậy, với trường hợp này, GS.TS Nguyễn Lân Việt đưa ra 2 phương án để gia đình người bệnh lựa chọn là thay van ĐMC qua đường ống thông hoặc phẫu thuật thay van ĐMC.

Người bệnh tặng hoa cảm ơn các bác sĩ đã can thiệp TAVI cho người bệnh. Ảnh:VGP/ Thành Dương

Sau khi bàn bạc và thống nhất, gia đình bệnh nhân đã quyết định chọn phương án thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI). Bệnh nhân được tiến hành thay van ĐMC qua ống thông với cỡ van 29 mm.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, trưởng kíp can thiệp chia sẻ, điều đặc biệt trong ca can thiệp này là bệnh nhân bị ung thư Amidan. Để đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, kíp can thiệp quyết định gây tê tại chỗ kết hợp an thần thay vì gây mê như mọi lần. Đây là ca TAVI đầu tiên được áp dụng dưới sự hỗ trợ của gây tê tại chỗ. Lợi thế của việc gây tê tại chỗ thay vì gây mê toàn thân qua nội khí quản giúp giảm thời gian tiến hành thủ thuật, giảm nguy cơ phải dùng thuốc vận mạch trong quá trình tiến hành thay van, đồng thời cũng giúp người bệnh hồi tỉnh ngay, tránh những biến chứng của việc thở máy xâm nhập, giảm thời gian nằm viện.

Đây là lần đầu tiên, Viện Tim mạch Quốc gia triển khai TAVI qua gây tê tại chỗ, được tiến hành hoàn toàn với ekip các bác sĩ Việt Nam, không có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài. Ngay sau thủ thuật, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được. Chỉ 1 tuần sau thay van qua đường ống thông, bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật Amydal theo chỉ định của chuyên khoa Tai mũi họng.

Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 3 trung tâm tim mạch trong cả nước đã được cấp chứng nhận có thể tiến hành kỹ thuật này một cách độc lập.

Hẹp van động mạch chủ do thoái hóa van là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mệt, giảm khả năng gắng sức, đau ngực, khó thở. Hẹp van động mạch chủ khi đã biểu hiện triệu chứng thì thường có tiên lượng nặng, với tỷ lệ tử vong trong 2 năm lên tới 50%.

Thay van ĐMC qua đường ống thông đã thực sự mở ra hướng đi mới cho các bệnh nhân hẹp khít van ĐMC, đặc biệt là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nội khoa nặng nề, những bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật tim hở, hoặc nguy cơ phẫu thuật quá cao.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/vien-tim-mach-qg-lam-chu-ky-thuat-thay-van-dong-mach-chu-qua-ong-thong/400420.vgp