Viện trưởng CIEM: Muốn phát triển khu công nghiệp phải 'vượt qua nỗi sợ khác người'

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phát triển các khu công nghiệp sẽ khó hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc. Từng địa phương và từng khu công nghiệp phải 'vượt qua được nỗi sợ khác người'.

Khu công nghiệp là điểm để thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn

Phát biểu tại diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 diễn ra sáng nay (19/6), bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng đến thời điểm này, dù không ít quốc gia đã thảo luận công khai về kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, diễn biến dịch Covid-19 ở bình diện toàn cầu vẫn còn khá căng thẳng. Thậm chí, thảo luận về đợt dịch thứ hai đang trở nên phổ biến hơn.

Theo bà Minh, những diễn biến này đã tác động không nhỏ đến chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, qua đó tác động đến quá trình dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Viện trưởng CIEM nhận định bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay và sau đại dịch Covid-19 khá bất định. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư.

"Việc nước ta sớm có chuyển biến trong đẩy lùi đại dịch Covid-19 có thể được nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của chính phủ. Nếu tiếp tục duy trì những chuyển biến này, cùng với việc kịp thời xây dựng và chuyển dần sang thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19, chúng ta sẽ có cơ hội không nhỏ để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng", bà Minh đánh giá.

Cũng theo Viện trưởng CIEM, trong hơn 30 năm qua, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp.

Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phát triển các khu chức năng trong khu kinh tế huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng các khu này để kết nối đồng bộ với các khu chức năng khác trong khu kinh tế, với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Với hạ tầng sẵn có, các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án, đồng thời góp phần quan trọng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông thôn của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và cả nước.

Ngược lại, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi làm ăn và tích lũy hiệu quả tại Việt Nam thì đã cân nhắc, ủng hộ, thậm chí trực tiếp tham gia nhiều hơn vào đầu tư trở lại cho hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

"Đại dịch Covid-19 không làm thay đổi yêu cầu trên. Thay vào đó, cơ hội vàng từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đòi hỏi chúng ta phải có những hành động nhanh, đúng trọng tâm và hiệu quả hơn", bà Minh nói.

Theo nhận định của mình, bà Minh cho rằng phát triển bất động sản công nghiệp phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 cũng làm gia tăng các thảo luận về yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.

"Theo tôi, không có nơi nào thuận lợi hơn khu công nghiệp trong việc thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn", bà Minh khẳng định.

Viện trưởng CIEM cho rằng hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước... mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương.

"Phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc", bà Minh nói và nhấn mạnh từng địa phương và từng khu công nghiệp phải "vượt qua được nỗi sợ khác người".

Ở góc độ chính sách, bà Minh cũng cho rằng ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp mà cả về hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp.

"Làm được điều đó, các khu công nghiệp sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng – yêu cầu mà chúng ta đã nhìn nhận trong nhiều năm qua mà chưa hiện thực hóa một cách hiệu quả", Viện trưởng CIEM nói.

Bất động sản công nghiệp đang nổi lên là một điểm sáng

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh, phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, ông Hà cho rằng đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19; môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới; nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực…

Để đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI "sạch" và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn, ông Hà kiến nghị cần phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các địa phương cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng thông qua thu hút nguồn lực tư nhân và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình trọng điểm.

Ngoài ra, ông Hà cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vien-truong-ciem-muon-phat-trien-khu-cong-nghiep-phai-vuot-qua-noi-so-khac-nguoi-20180504224240043.htm