Viện Vật liệu xây dựng: Đẩy mạnh nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước và phát triển sản phẩm

Năm 2018, ngành Xây dựng Việt Nam đã có sự tăng trưởng, công nghiệp VLXD phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về một số VLXD chủ yếu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hoạt động quản lý nhà nước về VLXD tiếp tục được tăng cường. Đứng trước thực tế phát triển và yêu cầu của ngành, đội ngũ CBVC Viện Vật liệu xây dựng đã thường xuyên nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, năng động, nhạy bén để đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD báo cáo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về một số hoạt động nghiên cứu khoa học trọng điểm của Viện VLXD.

Là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng đã tập trung nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế, thông tin, thực hiện các dịch vụ, kinh doanh và phục vụ công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: xây dựng, VLXD, cơ khí xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, môi trường xây dựng góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành Xây dựng đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời đại.

Trong năm 2018, Viện VLXD đã tích cực tham gia vào công tác phục vụ quản lý nhà nước, đáp ứng được yêu cầu của Bộ Xây dựng và góp phần quan trọng vào quản lý ngành Xây dựng ở cấp Trung ương và các địa phương như nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD chủ yếu ở Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; Thực hiện một số các nhiệm vụ thuộc chương trình trọng điểm bao gồm: xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng; nghiên cứu phát triển vật liệu xây không nung; nghiên cứu phát triển VLXD phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo; nghiên cứu vật liệu tái chế, vật liệu tiết kiệm năng lượng, cát nhân tạo, vật liệu thay thế amiăng, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của ngành sản xuất VLXD…; Xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn, quy chuẩn về VLXD; Tham gia Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”; Điều tra, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất cát nghiền và đề xuất giải pháp, chính sách thúc đẩy sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên; Điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên và làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác; Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các đối tượng thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành Xây dựng, đề xuất biện pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Điều tra, khảo sát, xây dựng báo cáo hiện trạng bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.

Viện Vlxd ký hợp tác với Viện Hàn lâm Vlxd Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước tại các địa phương và tham gia góp ý dự thảo các Nghị định, Thông tư của Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước lĩnh vực VLXD; Thực hiện công tác kiểm định sản phẩm VLXD phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất của các DN; Thực hiện công tác chứng nhận chất lượng sản phẩm VLXD phù hợp tiêu chuẩn theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN; Thực hiện công tác chứng nhận hợp quy chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD theo QCVN 16:2017/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa VLXD. Công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa VLXD, giúp cơ quan quản lý nhà nước về tình hình thực hiện việc quản lý chất lượng sản phẩm VLXD của các DN sản xuất trong nước và sản phẩm VLXD nhập khẩu.

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được quan tâm và đầu tư thích đáng. Vì vậy, năm 2018, số lượng, chất lượng và quy mô các đề tài, dự án từ các nguồn vốn khác nhau đã tăng trưởng rõ rệt so với các năm trước. Các nhiệm vụ đều thực hiện hiệu quả cả về nội dung, chất lượng và tiến độ. Viện đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, loại hình và quy mô. Viện đã triển khai thực hiện tổng cộng 100 nhiệm vụ KHCN, trong đó 77 nhiệm vụ KHCN thuộc vốn ngân sách bao gồm: 2 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 26 đề tài RD cấp Bộ, 5 dự án SNKT, 6 dự án SNMT và 38 dự án TCVN về VLXD với tổng kinh phí nghiên cứu từ nguồn ngân sách Nhà nước 29,56 tỷ đồng; các nhiệm vụ nghiên cứu cho địa phương, các DN với kinh phí 9,66 tỷ đồng. Các nhiệm vụ KHCN đều có mục tiêu nghiên cứu bám sát nhu cầu thực tế, kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất và phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và các địa phương.

Hoạt động dịch vụ KHCN luôn duy trì tăng trưởng ổn định, có ý nghĩa thực tiễn, đã trực tiếp nâng cao thu nhập cho cán bộ của Viện và tạo điều kiện để có tích lũy, phát triển Viện ngày càng khẳng định năng lực tự chủ. Các hoạt động dịch vụ chính của Viện bao gồm thí nghiệm, kiểm định VLXD, tư vấn lập dự án, thiết kế cơ sở các nhà máy sản xuất VLXD, đào tạo, sản xuất, cung cấp sản phẩm VLXD, thi công, sửa chữa công trình,… Năm 2018, Viện đã trực tiếp thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn dự án, thiết kế cơ sở nhà máy xi măng, vôi, vật liệu xây không nung; thí nghiệm, kiểm soát chất lượng VLXD cho nhiều dự án lớn có ý nghĩa chính trị, kinh tế quan trọng như Dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào, các dự án xây dựng công trình công nghiệp, nhiệt điện, các khu nhà nghỉ ven biển, trên đảo và nhiều dự án nhà thương mại tại các đô thị trên toàn quốc.

Năm 2018, Viện VLXD có nhiều nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD.

Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của Viện VLXD, là năm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện VLXD. Để tiếp tục phát triển Viện VLXD trở thành Viện Nghiên cứu KHCN đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng của cả nước, có năng lực nghiên cứu ở trình độ cao với đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, các phòng thí nghiệm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực góp phần phát triển ngành Xây dựng ngày càng bền vững, hiệu quả và thân thiện môi trường, toàn thể CBVC Viện VLXD cùng quyết tâm thực hiện kế hoạch năm 2019 với các nhóm mục tiêu chính bao gồm: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu KHCN cả về chất và lượng, tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ KHCN mang tầm cỡ quốc gia. Tập trung nhiều hơn về nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, sử dụng chất thải, phế thải công nghiệp và dân sinh, VLXD cho các công trình biển và hải đảo...; Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ KHCN, nâng cao thu nhập của CBVC, phấn đấu doanh thu và lợi nhuận năm 2019 tăng 15 - 20% so với năm 2018; Nâng cao năng lực đội ngũ CBVC: tăng cường đào tạo cán bộ sau đại học, đào tạo chuyên gia; thu hút nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN có chất lượng cao; Chủ động hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành, dịch vụ tư vấn đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD mới; Tăng cường công tác đầu tư phát triển Viện đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu đồng bộ, hiện đại.

TS Lê Trung Thành
Viện trưởng Viện VLXD

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/vien-vat-lieu-xay-dung-day-manh-nghien-cuu-phuc-vu-quan-ly-nha-nuoc-va-phat-trien-san-pham.html