'Viếng Lăng Bác' – Khúc ca dâng Bác

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc dâng trào khi đọc những dòng tư liệu viết về nỗi niềm đau đáu khôn nguôi mà Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt – những người luôn 'đi trước về sau', xứng đáng là 'Thành đồng Tổ quốc'. Lắng sâu trong tiếng gọi 'miền Nam ruột thịt' ấy, với Bác, luôn chất chứa những nỗi niềm chung – riêng sâu kín.

Cái chung của khát vọng về một đất nước thống nhất, Bắc – Nam liền một dải, sum họp một nhà. Cái riêng là tâm tư vời vợi về quê hương, bản quán. Bác từng tâm sự: “Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn... trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao năm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn”. Bác luôn tâm niệm: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Bác mong lắm, mong một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng để được đi khắp hai miền Nam - Bắc, được vào thăm nhân dân miền Nam. Thế rồi, chẳng kịp đợi tâm nguyện được thành toàn, Bác ra đi mãi mãi trong sự tiếc thương vô hạn của toàn thể dân tộc Việt.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ, non sông liền một dải, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành. Đông đảo đồng bào miền Nam xếp thành hàng dài vào Lăng viếng Bác. Trong không khí trang nghiêm xen lẫn niềm xúc động nghẹn ngào ấy; mang theo tấm lòng yêu thương, thành kính vô hạn của “đứa con miền Nam” được “ra thăm Lăng Bác”, nhà thơ Viễn Phương đã viết nên những dòng thơ “Viếng Lăng Bác” lay động trái tim biết bao thế hệ độc giả.

“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác” – chỉ ngần ấy thôi mà nức nở bao điều. Để có được cuộc viếng thăm này, Bác mất cả một đời đau đáu, ngóng trông, trăn trở; dân tộc Việt phải trường kỳ kháng chiến giữa mưa bom, bão đạn. Vì vậy nên lời thơ thoạt nghe chỉ như lời chào giản đơn nhưng đủ khiến lòng người thổn thức, trào dâng nước mắt.

Theo bước chân đoàn người vào Lăng viếng Bác, cảnh sắc thiên nhiên dọc lối đi dần hiện hữu. Tuy nhiên, nhà thơ Viễn Phương đặc biệt lưu tâm, tập trung khắc họa hình ảnh hàng tre bên Lăng Bác: “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”. Tại sao lại là cây tre mà không phải loài cây nào khác? Có lẽ, bất kỳ ai là người con đất Việt đều có thể dễ dàng tìm kiếm được câu trả lời. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, cây tre vẫn luôn là hình ảnh quen thuộc trong bức tranh làng quê mộc mạc, thanh bình. Từ bó tre mà Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng dùng để đánh đuổi giặc Ân đến những hầm chông ngăn cản bước tiến quân thù, cây tre kiêu hãnh, hiên ngang lưu dấu ấn trên những trang sử vàng. Đó là biểu tượng cho khí chất, ý chí quật cường, sức sống bền bỉ, tiềm tàng của dân tộc ta. Tất cả ý nghĩa cao đẹp ấy đều tựu trung trong con người, nhân cách của Bác. Ở một tầng ý nghĩa khác, “hàng tre bát ngát” ấy tựa hồ như trái tim nhân dân Việt Nam vẫn mãi hướng về Bác, trung kiên canh giữ bên Lăng cho Bác được yên giấc ngàn thu.

Những nghẹn ngào chất chứa trong lòng từ khoảnh khắc bước vào Lăng cho đến khi được gặp Bác bỗng dâng trào mãnh liệt. Nhịp điệu thơ da diết khôn nguôi: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/ Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...”. Đây có lẽ là khổ thơ hay nhất, chuyển tải sâu sắc giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Ngôn ngữ dường như bất lực trong việc diễn tả trọn vẹn cảm xúc của tác giả vào lúc này. Chính bởi vậy, chỉ trong một khổ thơ ngắn, nhà thơ liên tục vận dụng các phép tu từ: ẩn dụ, hoán dụ để giãi bày nỗi lòng mình. Hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: “Mặt trời đi qua trên Lăng” trong tư cách là thực thể tự nhiên và “mặt trời trong Lăng rất đỏ” gợi lên nhiều liên tưởng, nhắc nhớ về những giai đoạn lịch sử của đất nước gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác. Mặt trời tồn tại trên thế giới này còn có khi chói chang rực rỡ, khi thì khuất bóng hoàng hôn. Nhưng, những tư tưởng của Bác về con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam - con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mãi là chân lý sáng ngời. Biết lấy gì để đo đếm sự hy sinh to lớn, cao cả của Bác cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày ngày, từng dòng người đổ về Lăng; đối diện với “giấc ngủ bình yên” của Bác mà trong lòng khắc sâu lời Bác từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trân trọng, cảm phục trước tấm lòng nhân hậu, bao dung sâu rộng ấy, thế hệ cháu con hôm nay nguyện “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. “Bảy mươi chín mùa xuân” – hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho bảy mươi chín năm cuộc đời Bác đã sống và chiến đấu để đất nước ta, nhân dân ta được đón chào những mùa xuân yên bình, no ấm, độc lập tự do.

Mùa xuân theo quy luật tự nhiên đều có thể quay trở lại còn Bác thì ra đi mãi mãi. Vẫn biết quy luật sinh tử của đất trời vốn khắc nghiệt như thế; vẫn biết chân lý cách mạng của Bác vẫn tỏa sáng mãi cùng non sông nhưng hàng triệu trái tim người dân đất Việt vẫn cuộn trào niềm tiếc thương vô hạn. Nghịch lý ấy được khắc họa chân thực qua vần thơ: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Một từ “nhói” đủ sức nói lên tất cả. Nó có chút gì đó đột ngột, xoáy sâu vào tâm can, day dứt khôn nguôi. Nỗi niềm day dứt, thương yêu vô hạn đó hóa thành muôn vàn điều ước – những điều ước tưởng chừng phi lý nhưng lại chan chứa nghĩa tình của đứa con phương xa dành cho Bác: “Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác/ Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...”.

Đã mấy chục năm trôi qua kể từ khi tác phẩm “Viếng Lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương ra đời. Tuy nhiên, mỗi lần đọc lại, xúc cảm thơ vẫn vẹn nguyên như thế. Giữa những ngày tháng 5 - nhớ Bác, những câu thơ trầm lắng, da diết ấy lại ngân vang. Bài thơ là khúc ca đẹp về tình cảm thiêng liêng, sâu sắc mà nhà thơ Viễn Phương nói riêng, triệu triệu người dân đất Việt dành cho Bác.

Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/vieng-lang-bac--khuc-ca-dang-bac/119098.htm