Viết cho ngày 27/7: Sân ga và những chuyến tàu

Có nhiều bài văn,bài thơ dù đọc đi đọc lại ta vẫn không cảm được cái hay, cái đẹp nhưng lại có những bài mà chỉ lướt qua đã mang đến cho ta cả một trời ký ức.

Anh do tác giả cung cấp

Những ký ức dù đã rất xa tưởng như không còn nhớ nữa nhờ các bài văn bài thơ ấy bống hiện về như vừa mới xảy ra. Hôm nay đọc bài thơ : " Mùa thu và con tàu " của anh Nguyễn Trọng cựu chiến binh sư đoàn 320 A, bài thơ đưa tôi trở về với những kỷ niệm ấu thơ nơi sân Ga quê nhà. Những chuyến tàu đặc biệt cách đây nửa thế kỷ lại hiện về trong tâm trí của tôi .

Có một mùa thu rất xa

Có một sân ga rất cũ

Ngày ấy chúng mình rất trẻ

Yêu như trái chín đầu mùa

Ga cũ con tàu cũng cũ

Còi tàu nức nức sương đêm

Đêm ấy sương buông rất nhẹ

Anh đi về phía đạn bom

Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ nơi có một Ga Tàu nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng . Vâng , đó là ga Cẩm Giàng .

Nhà tôi ở rất gần Ga nên Ga,Tàu, Đường Sắt là một phần trong cuộc sống của tôi. Giờ Tàu đến, giờ Tàu đi, dừng đỗ bao lâu, tôi cũng như mọi người trong phố đều thuộc làu .

Những năm 1968 – 1972 tất cả tân binh của quân khu 3 sau khi được huấn luyện tại các vùng núi Chí Linh , Đông Triều trên đường đi B đều đi qua ga Cẩm Giàng. Sân ga quê tôi đã từng chứng kiến rất nhiều những cuộc tiễn đưa đầy nước mắt với những chuyến Tàu chở đầy bộ đội đi chiến đấu và những người đưa tiễn .

Đặc điểm của những chuyến tàu đặc biệt này là chỉ chạy vào ban đêm không báo trước thời gian , được ưu tiên không phải dừng ở ga và không giảm tốc độ khi qua ga .

Ngày đó tôi còn học phổ thông mỗi khi có chuyến tàu đặc biệt đó chạy qua nhất là những chuyến có con em trong huyện tạm biệt quê hương vào Nam chiến đấu.Tôi cùng nhân dân trong phố và rất đông bà con các xã lân cận tập trung ở sân ga cầm đèn đuốc đứng chờ, mặc cho đêm đó gió mưa hay nóng nực . Mọi người đứng dọc theo hai bên đường tàu và đầy sân ga nhấp nhổm chờ đoàn Tàu đến. Các anh bộ đội và dân quân đeo băng đỏ làm nhiệm vụ bảo vệ giữ trật tự ở sân Ga đứng thành hàng rào ôn tồn nhắc dân chú ý giữ an toàn .

Tàu bắt đầu vào ga, ánh đèn pha sáng lóa.Tàu kéo một hồi còi dài, giữ nguyên tốc độ chạy qua Ga. Dân đứng hai bên đường giơ cao đèn đuốc, cả sân ga bừng sáng. Ánh sáng màu đỏ của những ngọn đuốc soi tỏ những gương mặt khắc khổ của những người cha,những giọt nước mắt của những người mẹ, người chi, người vợ, người em.Tất cả đều hy vọng người thân của mình trên Tàu có thể nhìn thấy mình trong giây lát.Trên Tàu các anh bộ đội nhoài người ra ngoài cửa sổ vẫy chào tạm biệt .Các lá thư các anh thả xuống trắng xóa sân ga.Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 5 phút .

Khi đoàn tàu khuất hẳn mọi người soi đèn đi gom các lá thư nằm dưới sân Ga tập trung lại chuyển về cho bưu điện .

Sân Ga dần vắng lặng, đâu đó chỉ còn những tiếng sụt sùi, nức nở của các mẹ các chị. Những tiếng thở dài của những người cha. Rồi màn đêm đen lại bao trùm tất cả.

Ga Cẩm Giàng của tôi đã âm thầm, lặng lẽ, chứng kiến rất nhiều những cuộc chia ly như vậy .

Người đi mang theo nước mắt

Mang theo hương tóc giảng đường

Mang vào chiến chinh hơi thở

Mùi sân ga thương , ôi thương …

Giờ đây khi về thăm quê mặc dù đã có nhiều lựa chọn phương tiện, nhưng tôi vẫn thích về bằng tàu hỏa. Nơi sân ga tôi có được cảm giác " chờ Tàu ", có được nỗi lo sợ " nhỡ Tàu ". Được nhìn thấy người soát vé, người gác ghi. Tai lắng nghe tiếng cạch, cạch, đều đều khi bánh Tàu lăn qua các khe nối giữa các thanh Ray. Những âm thanh và hình ảnh đó đối với tôi thật thân thương và gần gũi biết bao .

Tàu dừng bánh, xuống Ga.Trước khi qua cửa trả vé để về nhà, bao giờ tôi cũng dành ít phút ngắm nhìn Ga cũ . Cảnh quan xung quanh có nhiều thay đổi nhưng Sân Ga vẫn vậy.Vẫn chỗ đứng chờ Tàu với những viên đá cũ đã mòn theo năm tháng.Vẫn những đường Ray nằm song song trên những thanh Tà Vẹt loang lổ dầu mỡ in đậm dấu ấn thời gian.Tất cả vẫn chung thủy chờ đón những chuyến Tàu về rồi lại lưu luyến tiễn chúng lên đường ….

Có một Ga Tàu rất cũ

Có một mùa thu rất xa

Bao nhiêu người không về nữa

Để hương tóc ở sân ga

P/S : Các đoạn thơ trong bài của Nguyễn Trọng.

Chuyện làng quê

Hoa Dang

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-cho-ngay-277-san-ga-va-nhung-chuyen-tau-a13778.html