Viết cho ngọn đèn dầu đã tắt

SGTT.VN - Suốt đêm thứ hai 14.11 tôi không chợp mắt được, trong khi bình thường tôi có thói quen lên giường lúc 10 giờ tối là ngủ một mạch. Tôi rất ngạc nhiên tiết lộ điều này với vợ tôi bằng vẻ mặt hốc hác, bà xã tôi phán gọn ghẽ: “Chắc có người quen nào bệnh nặng nhắc đến anh”. Mọi việc diễn ra sau đó y chang tiên đoán của vợ tôi. Bảy giờ sáng Hoàng Linh (con trai nhà văn quá cố Hoàng Ly chuyên viết truyện đường rừng) gọi điện báo Võ Phi Hùng đang hấp hối tại bệnh viện và nhờ tôi thông tin cho tất cả bè bạn. Cú điện của Hoàng Linh làm tôi choáng váng. Chẳng lẽ trước khi giã từ cuộc đời tàn khốc này, họ Võ cố tình viễn mộng với tôi ư?

Nhà văn Võ Phi Hùng

Thế là hết. Tự nhiên nhớ một bài thơ tôi làm tặng Võ Phi Hùng một cách lạ lùng. Bài thơ mang tựa ĐẠI ĐIỂU HÀNH mà khổ đầu tiên dành cho bạn lúc bạn tiễn tôi ra Duyên Hải công tác: “Một con chim lớn về biển cả - Ta cảm ơn bạn Võ Phi Hùng – Một con chim lớn lên ghềnh đá – Bạn nhìn ta thành con chim ưng – Chim ưng không móng mà không vuốt – Giang cánh mà bay sợ cố cùng…” Làm sao không nhớ được thưở đầu thập niên 1980 ấy đất Duyên Hải tức huyện Cần Giờ hôm nay từng được mệnh danh là “Xibêri của Sài Gòn”. Thuở đó tôi và Võ Phi Hùng mang tiếng là người cầm bút đầy tâm huyết nhưng bụng dạ đói meo. Tôi không còn cách mưu sinh nào khác hơn là tình nguyện ra Duyên Hải công tác cùng Võ Ngọc An và Sáu Du. Một dạng công tác văn hóa thông tin rất bình thường đối với một kẻ từng giang hồ lãng tử như tôi, ấy vậy mà Võ Phi Hùng chuốc rượu cảm khái tiễn tôi suốt đêm như Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Đêm ấy đôi mắt Võ Phi Hùng đỏ hoe...

Thôi, làm ơn bỏ đi quên đi tình bằng hữu lẫm liệt thời bi tráng ấy. Với một con người dám sống và dám chết như Võ Phi Hùng thì mỗi chặng đường cầm bút lẫn phiêu bạt giang hồ của bạn đều là một cuộc “lữ” đặc biệt. Chỉ cần biết anh là kẻ dám “chọn bạn mà chơi chứ không chọn thời mà sống”, bất chấp dư luận thị phi. Chỉ nội cách chọn để chơi ấy cũng đủ làm anh sống sót nhiều kiếp trong cuộc đời phù du ngắn ngủi. Tôi từng biết anh có một kiếp mơ làm đại diện cho thế giới trẻ bụi đời (đúng như thân thế của anh, một thằng bé xuất thân từ cô nhi viện) qua truyện ngắn nổi tiếng ĐỜI SẼ CÓ TÊN TỤI MÌNH. Tôi cũng từng biết anh có một kiếp mơ làm thi sĩ cho một thế giới ảo của nàng thơ qua những bài thơ tình tán gái vừa lãng mạn vừa lãng xẹt. Tôi cũng từng biết anh có một kiếp làm nhà văn có “số má” của Nhà Xuất Bản Kim Đồng qua bộ truyện thiếu niên nhiều tập SỐNG SÓT VỉA HÈ).

Tuy nhiên điều tôi biết còn đọng lại mãi mãi vẫn dành cho tình bạn. Một tình bạn thủy chung chọn lọc ngang ngửa với tình yêu nam nữ “yêu nhau vì sắc trọng nhau vì tài”. Mà thật vậy, Võ Phi Hùng chỉ ngả mũ trước những bậc xuất chúng kỳ tài và bảo vệ họ đến cùng cho dù người ta có nhìn anh như nhìn con khủng long còn sót lại từ thời tiền sử.

Xin kính viếng Võ Phi Hùng bằng vài câu thơ điếu từ các tác phẩm nổi tiếng của anh:

ĐÃ SỐNG SÓT VỈA HÈ thì làm sao chết được

Chết chỉ là ngủ một giấc vô minh

Chúng ta mồ côi ngay từ khi cầm bút

Ngay từ khi biết ĐỜI SẼ CÓ TÊN TỤI MÌNH!

Nhà văn Võ Phi Hùng, sinh năm 1948, là tác giả của các tập sách Kẻ lang bạt trở về (1987), Đời có tên tụi mình (1992), Đóng đinh vào khoảng không (1993), Bất trắc (1996), Trong cơn lốc (1997), Sống sót vỉa hè (2005), Chàng cóc siêu phàm (2010)... Ngoài ra ông còn là tác giả các kịch bản phim: Đời có tên tụi mình, Chim phóng sinh, Giã từ dĩ vãng, Cầu thang tối, Tên bắt cóc... Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh lao phổi, nhà văn Võ Phi Hùng vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16g ngày 16.11.2011 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Lễ viếng nhà văn bắt đầu lúc 9g ngày 17.11 tại nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ động quan diễn ra lúc 6g ngày 19-11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, hài cốt sẽ mang về chùa Già Lam (Bình Thạnh, TP.HCM).

Nhà văn Võ Phi Hùng, sinh năm 1948, là tác giả của các tập sách Kẻ lang bạt trở về (1987), Đời có tên tụi mình (1992), Đóng đinh vào khoảng không (1993), Bất trắc (1996), Trong cơn lốc (1997), Sống sót vỉa hè (2005), Chàng cóc siêu phàm (2010)... Ngoài ra ông còn là tác giả các kịch bản phim: Đời có tên tụi mình, Chim phóng sinh, Giã từ dĩ vãng, Cầu thang tối, Tên bắt cóc... Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh lao phổi, nhà văn Võ Phi Hùng vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16g ngày 16.11.2011 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Lễ viếng nhà văn bắt đầu lúc 9g ngày 17.11 tại nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ động quan diễn ra lúc 6g ngày 19-11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, hài cốt sẽ mang về chùa Già Lam (Bình Thạnh, TP.HCM).

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/van-hoa/155793/viet-cho-ngon-den-dau-da-tat.html