Viết để tri ân đồng đội

Hơn 7 năm qua, cựu chiến binh Đinh Phúc Nhân (84 tuổi) đã tập hợp, ghi chép những câu chuyện đầy cảm động trong chiến tranh để in thành sách, mà như lời ông chia sẻ là 'tôi viết để nhớ, tri ân đồng đội'.

Ngôi nhà nhỏ của cựu chiến binh Đinh Phúc Nhân nằm trong con hẻm nhỏ ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi). Vợ ông cũng là một cựu chiến binh, giờ bị đãng trí, lúc nhớ, lúc quên. Vợ chồng ông có 2 người con, cô con gái đang sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh, còn người con trai đang học đại học năm 2 thì bị bệnh, đành bỏ ngang việc học trở về ở với ông bà. Đã 84 tuổi đời, mắt không còn tinh anh, tay chân không còn khỏe, nhưng ông Nhân đã lo trọn chuyện sinh hoạt hằng ngày cho vợ và con. Ông Nhân bảo: “Việc làm này không chỉ là nghĩa vợ chồng, con cái, mà còn là tình đồng đội”.

Cựu chiến binh Đinh Phúc Nhân. ẢNH: ÁNH NGUYỆT

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông Nhân lần lượt tham gia 3 đơn vị: Tiểu đoàn 83, Tiểu đoàn 48 và Đội Phẫu thuật cơ động A100 (Tỉnh đội Quảng Ngãi). Chiến trường ác liệt, nên những việc làm dũng cảm của anh em đồng đội, ông chẳng thể nào quên. Từng đêm, sau khi lo xong mọi việc cho vợ và con, ông ngồi lại bàn để viết hồi ký tưởng nhớ đồng đội.

Cuốn hồi ký mang tên “Ký ức một thời” dày 226 trang, tập hợp 75 câu chuyện đều là những câu chuyện về người thật, với nội dung đau nỗi đau của đồng đội, vui với những chiến công... Cuốn hồi ký được chia làm bốn phần, ông dành phần nhiều cho thời gian hoạt động ở Tiểu đoàn 48 và Đội Phẫu thuật cơ động A100 (Đội Phẫu thuật). Mỗi câu chuyện như tái hiện khung cảnh chiến trường Quảng Ngãi một thời đạn bom. Những cán bộ, chiến sĩ dũng cảm kiên cường đánh giặc, những y sĩ hết lòng cứu chữa đồng độ bị thương.

Ông Nhân bộc bạch: Trăn trở và nhớ nhất là câu chuyện chiến sĩ trinh sát Trương Hồng Hân, người lính trinh sát tháo vát, nhanh nhẹn, gan dạ vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua mọi cạm bẫy của kẻ thù, vào tận sào huyệt của giặc để nắm tình hình theo yêu cầu tác chiến. Hay chuyện kể về Phó Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Ngãi (thời kháng chiến) Phạm Văn Trinh; những cô gái liên lạc, hóa trang băng qua họng súng giặc, lấy tin tức “nóng hổi” để phục vụ chống càn.

Những chiến sĩ thông tin, vô tuyến và hữu tuyến không ngại mưa bom, bão đạn của giặc chọn điểm cao nhất, đường ngắn nhất để phát sóng kịp thời, hiệu quả, hoặc chuyện về những cô gái vận tải chân yếu, tay mềm, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam, từ rừng xuống đồng bằng để đáp ứng yêu cầu cho từng trận đánh. Rồi chuyện hậu cần nuôi quân, những chiến sĩ điều trị, nuôi dưỡng thương bệnh binh; chuyện binh chủng pháo binh, công binh, đặc công, trinh sát... đã làm nên những chiến công hiển hách, cũng được ông kể lại tường tận.

Trong cuốn hồi ký, ông còn dành khá nhiều trang đề cập những anh em đồng đội hy sinh anh dũng, sự chia sẻ, đùm bọc của đội ngũ chiến sĩ y, bác sĩ Đội Phẫu thuật. Trong phần III của cuốn hồi ký, ông Nhân đã tập hợp 13 câu chuyện kể về sự năng động, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ Đội Phẫu thuật. Ông Nhân kể: Hồi ở đơn vị Đội Phẫu thuật, ông làm đội trưởng, nên sau mỗi trận đánh chừng 30 phút, ông huy động anh em trong đội có mặt để băng bó vết thương, tiếp sức cho lực lượng chiến sĩ. Nhớ nhất là đơn vị ta đánh ở đồi Đá Mú, thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) bị tổn thất khá nặng nề, có 103 chiến sĩ bị thương. Đội đã phải tập trung lực lượng cứu chữa, băng bó vết thương cho thương binh đến 3 ngày, 3 đêm. Có người lành lặn trở lại chiến trường, cũng có người lặng lẽ nằm lại ở chiến trường.

Viết mỗi trang hồi ký, ông Nhân trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, lúc thì vui, rạng rỡ bởi chiến công, lúc lại rơi nước mắt khi nhớ về đồng đội đã hy sinh. Rồi cũng có lúc ông cười thầm một mình trong đêm khi nhớ về mối tình thời kháng chiến...

Cuốn hồi ký là sự thương nhớ về đồng đội, nhân dân vùng giải phóng, vùng bị tạm chiếm, những người đã đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng đơn vị trong mọi hoàn cảnh. Cuốn hồi ký còn là sự tri ân đối với đồng đội, những người góp phần làm nên những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Quảng Ngãi.

ÁNH NGUYỆT

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202105/viet-de-tri-an-dong-doi-3055069/