Viết để tự chữa lành vết thương

20 tác phẩm được chọn vào chung khảo Văn học tuổi 20 cho thấy người trẻ không chỉ quan tâm đến những gì mình trải nghiệm mà đang muốn đối diện và đau đáu trăn trở với những vấn đề lớn trong xã hội, theo bằng cách riêng của mình.

Các tác giả trẻ giao lưu với độc giả.

Xuyên không, hiện thực huyền ảo

Mùa giải năm nay có 458 tác phẩm dự thi, gồm 347 truyện dài và 111 tập truyện ngắn. Trong 20 tác giả vào chung khảo có đến 13 người thuộc thế hệ 9X (chiếm 65%), 10 tác giả (50%) góp mặt với tác phẩm đầu tay. Nét đặc biệt của năm nay là một nửa tác phẩm vào chung khảo (10 cuốn) liên quan đến bút pháp xuyên không, hiện thực huyền ảo, viễn tưởng, ly kỳ… Điều này thể hiện sự bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới, bắt kịp xu thế của điện ảnh chứ không riêng gì văn học.

10 tác phẩm mang yếu tố xuyên không, huyền ảo được chọn cũng là bất ngờ cho Văn học tuổi 20 năm nay, bởi cách tiếp cận hiện thực sẽ khác hẳn với thế hệ văn đàn của những năm về trước. Hơn thế nữa, đây là một cách phản ứng hiện thực dễ dàng hơn, theo nhiều chiều giúp tác giả vừa sáng tạo, vừa không bị hạn chế về những điều khó nói trong văn chương. Các tác giả không chỉ viết về hiện thực ảo mà còn soi chiếu cả vào quá khứ và lịch sử cùng những tín ngưỡng dân gian và niềm tin tôn giáo.

“Chuyện bên rìa thế giới” của Bùi Cẩm Linh kể về hành trình hình thành thế giới thông qua việc liên kết những câu chuyện thần thoại. “Thỏ rơi từ mặt trăng” của Nguyễn Dương Quỳnh lấy điển tích từ Công chúa ống tre của Nhật Bản. “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” của Hiền Trang đậm chất huyền ảo, trong khi “Cửa sổ phía Đông” của Nguyễn Thị Kim Hòa xâm nhập vào ký ức con người. “Độc hành” của Nguyễn Đinh Khoa du hành qua các quỹ đạo song song để thay đổi các rung động của người đời, trong khi “Nhân gian nằm nghiêng” của Đặng Hằng lại là một giả tưởng về đôi trai gái lạc bước về quá khứ, mang đậm màu sắc Phật giáo, là chặng đường của những người đi tìm cái tôi trong cái ta chung của dân tộc. “Bữa đời lạc phận” của Ka Bình Phong mở ra những góc khuất số phận trong quá khứ lẫn những nỗi khóc cười trước cảnh đời trêu ngươi trong hiện tại.

Những tín hiệu vui

Theo ông Dương Thành Truyền - Trưởng BTC cuộc thi - các tác phẩm vào chung khảo lần này giống như một khối lập phương 3 chiều phản ánh góc nhìn thẳng thắn, mạnh mẽ và đầy cảm xúc của người trẻ hôm nay. Đặc biệt, bút pháp của các tác giả có thể gây “ngạc nhiên chưa?” cho mỗi độc giả với những trang viết đẹp, cuốn hút, có phong cách riêng hiện đại bằng những lối kể chuyện đa dạng, sinh động với chuyện thực, truyện nối truyện, truyện trong truyện…

Ông Truyền cho rằng đây là tin vui, là tín hiệu báo hiệu của một lớp cây bút thế hệ mới, của hôm nay và ngày mai.

Và theo nhìn nhận từ các thành viên BTC, nhiều tác phẩm bộc lộ những tâm hồn rất đẹp, tươi tắn và luôn trăn trở để đi tìm một ý nghĩa sống, một con đường thực hiện những hoài bão, khao khát gánh vác trách nhiệm cùng xã hội, yêu quý và tự hào về cội nguồn dân tộc. Đặc biệt, các tác giả được chọn vào chung khảo đều tìm cho mình giọng điệu riêng hiện đại, mới mẻ…

Tác giả 8X Nguyễn Đinh Khoa cho biết: “Tôi viết như một cách chống lại nỗi buồn, để vực mình dậy sau những tổn thương mất mát, để tự chữa lành vết thương mà mình đã gây ra. Tôi viết về những con người cô đơn, về những cuộc đấu tranh cũng như mất mát của họ trên con đường đi tìm hạnh phúc. Đó là một chuyến hành trình dài đơn độc nhưng trên hết là niềm tin của họ trong nỗ lực để thay đổi số phận và giành lấy tình yêu cho mình”.

MINH THI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/viet-de-tu-chua-lanh-vet-thuong-630363.ldo