Viết là một mình trên đường

Hơn 30 năm cầm bút với hơn 20 đầu sách, ở tuổi chạm mốc 60, nhà văn Y Ban (ảnh nhỏ) vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Đối với chị, việc viết đã trở thành một nhu cầu tự nhiên của cuộc sống.

Hơn 30 năm cầm bút với hơn 20 đầu sách, ở tuổi chạm mốc 60, nhà văn Y Ban (ảnh nhỏ) vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Đối với chị, việc viết đã trở thành một nhu cầu tự nhiên của cuộc sống.

Nhà văn không có khái niệm nghỉ hưu

- Xin chào nhà văn Y Ban, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào từ khi nghỉ hưu?

- Từ lúc về hưu năm 2016, hình như cuộc sống của tôi sôi động hơn thì phải. Có nhiều thời gian hơn, tôi làm thơ và gặt ngay được một mùa vàng bội thu. Tôi thắng trong cuộc thi “Slam thơ” mùa giải đầu tiên tại Việt Nam và được nước Pháp đài thọ toàn bộ chuyến tham dự cúp “Slam thơ Quốc tế” với 23 nhà thơ đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở cuộc thi quốc tế này, tôi là “cầu thủ” lớn tuổi thứ hai, còn lại chủ yếu là những nhà thơ trẻ, người trẻ nhất 18 tuổi và tuổi trung bình là 25. Dù là nhà thơ gần như già nhất xuất hiện, nhưng tôi chỉ thiếu 0,1 điểm thì được vào thi vòng chung kết. Không ít nhà thơ trẻ đến từ các quốc gia đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với tôi khiến tôi cảm thấy vui. Họ bảo, bà đừng thay đổi gì cả nhé, cứ theo hướng bà đang đi ấy, rất tuyệt. Cũng trong cuộc thi đó, tôi là người Việt Nam thứ hai (thời điểm năm 2017) được lên sóng đài NoVa để đọc rap một bài thơ của mình. Đến năm 2018, tôi được các nhà văn Hàn Quốc mời sang thăm và giao lưu văn học, một hoạt động rất có ý nghĩa. Năm nay, nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì tôi đã lại được mời sang Hàn Quốc để giao lưu, nói chuyện về văn học, văn hóa. Cũng từ khi nghỉ hưu, tôi tham dự ba trại sáng tác văn học trong nước, Đà Lạt là trại thứ ba. Tôi xuất bản thêm một tập truyện ngắn và một tập thơ. Tôi được Tạp chí Văn nghệ quân đội trao một giải đặc biệt… Sơ sơ thế để bạn thấy, tôi vẫn rất bận rộn, chẳng nhớ ra mình đã nghỉ hưu nữa.

- Có một số nhà văn khi còn đang đi làm thường ước ao đến lúc nghỉ hưu mình sẽ viết được tác phẩm này, tác phẩm nọ, nhưng khi thật sự có thời gian thì họ lại chẳng viết được gì, chị nghĩ sao về điều này?

- Có một số nhà văn khi còn đang đi làm thường ước ao đến lúc nghỉ hưu mình sẽ viết được tác phẩm này, tác phẩm nọ, nhưng khi thật sự có thời gian thì họ lại chẳng viết được gì, chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ rằng mỗi một người có một tạng viết khác nhau, không ai giống ai cả. Thời gian nhiều hay ít với người sáng tác vừa quan trọng vừa không quan trọng. Khi người cầm bút cảm thấy “chất chứa” đầy đầu rồi thì họ phải viết thôi, dù cho họ có đang thoải mái về thời gian hay đang bận bịu nhiều việc, họ phải tự thu xếp. Như tạng viết của tôi, nếu tôi còn chần chừ khi ngồi vào bàn viết thì mãi mãi chả có tác phẩm.

- Vẫn biết công việc của nhà văn là không có khái niệm nghỉ hưu, có người về già mới có tác phẩm đỉnh cao, và rất nhiều người ngay từ thời trẻ đã viết được những tác phẩm để đời rồi. Chị nghĩ tác phẩm hay nhất của mình đã được viết ra hay nó vẫn còn đang ở phía trước, ở thì tương lai?

- Tôi sẽ bật mí cho bạn đọc một bí mật của tôi, ấy là khi tôi viết xong một tác phẩm tôi rất ít khi đọc lại. Tôi quan niệm khi viết xong một tác phẩm có nghĩa là đã xong phần việc của nhà văn. Phần còn lại dành cho độc giả. Chính bởi điều đó nên nói thật tôi cũng không tự lượng giá được tác phẩm hay nhất của tôi đang ở phía trước hay đã nằm lại phía sau.

Hãy làm tốt nhất công việc của mình, thế là đủ

- 60 tuổi đời, viết văn hơn 30 năm, số lượng đầu sách cũng nhiều, chị thấy nghề viết mang lại cho mình những trải nghiệm gì?

- Thật ra thì tôi chưa định tổng kết đời văn của mình đâu. Nhưng có điều này thì tôi muốn nói, hình như càng có tuổi tôi sống càng hồn nhiên, giản dị, bao dung hơn. Và với việc viết cũng thế. Tôi cứ nghĩ đầy đầu thì ngồi vào bàn như một nhu cầu tự thân, không thể khác. Vừa viết vừa cười, vừa viết vừa khóc. Rồi khi viết xong tôi cũng không cần in ngay. Cứ thong thả chả vội gì. Viết với tôi đã trở thành một phần của cuộc sống, nó tự nhiên như thở, như ăn uống, vui chơi hằng ngày. Có thời gian đến nửa năm trời tôi không viết một chữ nào, cứ như thể cả đời tôi không có liên hệ gì với viết lách vậy. Nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái. Thế rồi đến một lúc nào đó, chữ nghĩa ở đâu lại túa về, lại dạt dào, ngồi vào máy tính, điên cuồng như không thể không viết. Tôi viết trong tình trạng đau lưng khủng khiếp, cứ một lúc phải đứng lên. Nhưng vì cơn mê đó dẫn mình đi, tôi vẫn viết cho đến khi hoàn thành tác phẩm cho dù những ngày sau đấy thì hết sức lực, nằm rên rỉ như một con mèo ốm. Vậy là đối với tôi, việc viết đã trở thành một công việc như mọi công việc khác trong cuộc sống. Có thể chơi, nhưng khi đã làm thì phải luôn cố gắng để hoàn thành.

- Là đại biểu chính thức tham dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam sắp diễn ra, xin hỏi, đâu là câu chuyện chị quan tâm, băn khoăn nhất trong đời sống văn chương nước nhà những năm qua?

- Thú thật tôi cũng không rõ mình đang băn khoăn điều gì, vì nói đến đời sống văn học nó rộng lớn, chung chung quá. Hơn nữa, hình như mẫu số chung của những người viết là khi tranh luận một vấn đề nào đấy thì nổ trời nổ đất, xong rồi thôi, chứ nó cũng chẳng dẫn mình tới đâu. Bởi đặc thù công việc của nhà văn là chỉ một mình một con đường. Trước màn hình máy tính chỉ duy nhất một người, không thể có ai chen ngang vào được. Cho nên nghiêm túc mà nói, không ai làm thay công việc sáng tác của nhà văn. Khi nhà văn hoàn thành tác phẩm anh ta đã hết trách nhiệm với chính mình, tiếp theo sẽ là việc in ấn, quảng bá. Tôi cho rằng, những nhà văn thật sự tài năng thì họ không quan tâm cũng chẳng đòi hỏi gì cả. Họ làm việc của họ thôi. Còn với những nhà văn làng nhàng thì nói thật, có được quan tâm đến đâu, hỗ trợ đến đâu thì cứ vẫn mãi không đủ. Có thể họ vẫn chỉ viết ra những thứ làng nhàng thế thôi. Nói tóm lại, cái điều tôi quan tâm rất giản dị chỉ là, làm tốt công việc của mình. Mỗi nhà văn hãy làm tốt nhất công việc của mình, thế là đủ.

- Hiện có nhiều nhóm văn chương hoạt động rất sôi nổi trên mạng xã hội, với số lượng thành viên rất lớn. Theo chị, có thể hy vọng gì từ những nhóm bút như vậy?

- Những người thích hay yêu văn chương có thể tham gia vào các hội nhóm, có thể in ấn, quảng bá những gì viết ra. Họ cũng có thể tự xưng là nhà văn, gọi nhau là nhà văn. Nhưng nhà văn thật sự với những tác phẩm có giá trị thật sự thì luôn ít, luôn hiếm. Nói thật là các nhà văn thật sự ít quan tâm đến những cuộc chơi kiểu đó, đơn giản là họ phải cắm cúi vào công việc của họ. Sáng tác là cái gì đó rất cá nhân, là một mình trên đường. Trong các hội nhóm hiện nay trên mạng xã hội mà tôi biết, tôi chưa thấy có cuộc chơi nào thật sự chuyên nghiệp.

- Trong đại hội nhà văn cấp cơ sở vừa rồi, có ý kiến cho rằng, nhà văn hôm nay đang dần đánh mất vị thế của mình trong xã hội. Ý kiến của chị về vấn đề này ra sao?

- Tôi nghĩ vẫn có những nhà văn được xã hội tôn trọng nhưng trong toàn thể thì có vẻ ý kiến nêu trong câu hỏi là xác đáng. Tôi cũng đã phát biểu trong đại hội cơ sở, nguyên nhân chính thuộc về cá nhân các nhà văn. Bạn đọc tinh tường lắm, họ phân định rõ những giá trị thật sự và những tác phẩm làng nhàng.

- Xin cảm ơn nhà văn Y Ban!

Vũ Quỳnh (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tro-chuyen-cuoi-tuan/viet-la-mot-minh-tren-duong-619887/