Cuộc thi viết về chủ quyền: Việt - Lào tình sâu nghĩa nặng

Nhân dân Việt - Lào cùng một mục tiêu xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện, sâu rộng

Tôi được đến đất nước Lào xinh đẹp và mến khách cách đây đã 14 năm, khi cùng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam tham dự SEA Games 25 năm 2009. Đã nhiều năm trôi qua, trong ký ức của tôi vẫn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp về con người và đất nước Lào.

Những kỷ niệm khó quên

Đón đoàn chúng tôi ngày ấy tại của khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) là nữ tình nguyện viên Khăm Say. Cô vừa tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, cùng rất nhiều sinh viên khác trở về nước làm việc, tình nguyện tham gia phục vụ SEA Games 25.

Thời điểm Lào đăng cai SEA Games 25, có hàng ngàn đoàn đưa du khách nước ngoài đến tham quan. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch ở Lào còn ít, phải chia ra ở nhiều vị trí. Đoàn chúng tôi hơn 40 người, chỉ có 1 hướng dẫn viên.

Khăm Say rất giỏi tiếng Việt, cô giới thiệu với chúng tôi về văn hóa đất nước Lào, các điểm đến, tranh thủ dạy chúng tôi những câu giao tiếp bằng tiếng Lào. Tôi cũng chủ động giao lưu với Khăm Say, giới thiệu về văn hóa Việt, về miền đất xứ Quảng quê hương; khơi mào chương trình văn nghệ hát cho nhau nghe trên xe. Các anh, chị trong đoàn hưởng ứng nhiệt tình. Khăm Say cũng tham gia văn nghệ, cô hát bài "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" rất hay. Suốt chặng đường dài đến thủ đô Vientiane, ai cũng vui vẻ, bớt phần mệt nhọc.

Những ngày tham quan đất nước Lào, đi đến đâu chúng tôi cũng được người dân Lào đón tiếp ân cần. Nhân viên các điểm thi đấu, tham quan, lực lượng cảnh sát… luôn hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi khi cần thiết với tình cảm gần gũi, thân thương.

Khăm Say đưa chúng tôi đi tham quan các di tích thắng cảnh nổi tiếng của đất nước Lào, như: Pha That Luang, Patuxai, Vườn tượng Phật Buddha Park… Hôm tham quan sông Mê Kông, chúng tôi được thưởng thức nhiều món ẩm thực của nước bạn và được các cô gái Lào dạy múa điệu lăm vông.

Tình hữu nghị càng thân thiết khi chúng tôi cùng xem trận thi bóng đá giữa hai đội Việt Nam - Malaysia. Các khán đài trên sân vận động quốc gia Lào đông kín người. Quốc kỳ Việt Nam, Lào có ở khắp nơi. Cổ động viên hai nước cùng cổ vũ thi đấu rất nhiệt tình, hào hứng…

Tạm biệt đất nước Lào, trong tôi lắng đọng nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ mãi hình ảnh Khăm Say qua những ngày nhiệt tình giúp đỡ cho đoàn khi chụp nhanh tấm ảnh lưu niệm, tay vẫn cầm chiếc loa chạy pin để hướng dẫn đoàn chúng tôi làm thủ tục qua cửa khẩu về lại Việt Nam. Với tôi, Khăm Say như một người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó vậy!

Đoàn đại biểu tỉnh Sê Kông - Lào tham quan trang trại của gia đình anh Thái Nguyên Khoa (thứ 4 từ trái sang), chủ trang trại ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam

Nghĩa tình địa phương

Những hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao và thông tin - truyền thông không những đã vun đắp thêm nghĩa tình hai đất nước mà còn thắt chặt mối quan hệ ở nhiều địa phương kết nghĩa.

Tỉnh Quảng Nam có đường biên giới hơn 170 km với tỉnh Sê Kông của Lào, nhiều năm qua đã tăng cường các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền chặt, cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức xây dựng và trao tặng nhiều công trình cho tỉnh Sê Kông, như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sê Kông, nhà làm việc Công an huyện Đắc Chưng…

Các thành viên Đoàn đại biểu tỉnh Sê Kông tìm hiểu sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam tại một hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp

Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Quảng Nam còn tiếp nhận đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hơn 1.500 cán bộ, học sinh sang học tập; cấp học bổng cho hơn 600 lưu học sinh tỉnh Sê Kông sang học tiếng Việt và chuyển tiếp học đại học, cao đẳng, trung cấp. Hiện có 289 lưu học sinh Lào học tập tại tỉnh Quảng Nam, trong đó 141 lưu học sinh của tỉnh Sê Kông. Hầu hết trí thức trẻ Lào sau khi về nước đều được bố trí việc làm, đóng góp tích cực cho địa phương.

Với riêng huyện Tiên Phước quê tôi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn dành cho nước bạn tình cảm chân thành. Tháng 10-2022, Đoàn đại biểu tỉnh Sê Kông đến thăm trang trại trồng cây măng cụt của gia đình anh Thái Nguyên Khoa tại thị trấn Tiên Kỳ. Gia đình anh Khoa đón tiếp rất chu đáo, đưa đoàn tham quan trang trại, chia sẻ kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những sản phẩm cây nhà lá vườn của gia đình như: măng cụt, chuối hương, bưởi da xanh, sữa chua nếp cẩm… được gia đình ân cần vui vẻ mời mọi người thưởng thức.

Đoàn đi tham quan các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của huyện. Trong câu chuyên cởi mở với đoàn đại biểu tỉnh bạn, ông Trầm Quế Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - giới thiệu nhiều sản phẩm OCOP của huyện làm từ các nguyên liệu địa phương như: trầm cảnh, rượu lòn bon, sản phẩm làm từ mo cau… Tôi còn nhớ trong buổi gặp gỡ thắm tình hữu nghị, ai đó đã đọc câu thơ của Bác Hồ: "Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

Tác giả cùng với nữ hướng dẫn viên du lịch Lào Khăm Say tại SEA Games 25 năm 2009 Ảnh: PHƯỚC TRẦN

Trong những năm vừa qua, nhiều y - bác sĩ, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước đã tham gia, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Thái Bình Dương và các bệnh viện tại TP HCM khám bệnh, phẫu thuật mắt, cấp thuốc và quà cho hàng ngàn người dân của tỉnh Sê Kông.

Tình hữu nghị vĩ đại

Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhân dân hai nước Lào - Việt đều chung chiến hào, được tôi luyện qua nhiều thử thách khắc nghiệt. Trong tình hình mới hiện nay, nhân dân hai nước cùng một mục tiêu xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, đưa quan hệ song phương phát triển toàn diện và sâu rộng.

Thành tựu to lớn là khu vực biên giới chung được Đảng, Nhà nước và các địa phương đầu tư xây dựng, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố… Đặc biệt, suốt chiều dài biên giới 2.067 km, hai nước đã hoàn thành cắm mốc biên giới ở 1.002 điểm, hoàn tất việc lập bản đồ biên giới Lào - Việt, đồng thời đã ký kết hiệp định hợp tác giao thương biên giới. Hiện nay có tổng cộng 36 chợ biên giới Lào - Việt, 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia, 18 lối mở biên giới và 8 khu kinh tế đặc thù. Đây là kết quả của tình hữu nghị vĩ đại Việt - Lào.

Tình hữu nghị vĩ đại này luôn có sự đóng góp của những cá nhân, gia đình; của các đoàn thể, đơn vị, địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo thuận lợi cho thương mại song phương, bảo đảm tình hình an ninh khu vực biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Hiện nay, thế giới và khu vực đang trải qua những biến động phức tạp, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, gây chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Vì thế, trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ càng lớn lao. Chúng ta cần tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để góp phần vun đắp tình hữu nghị, củng cố mối quan hệ bền chặt không thể tách rời giữa hai quốc gia.

Nếu thế hệ đi trước của Việt - Lào cùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì thế hệ hôm nay luôn gắn bó, sẻ chia trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch..., nhằm phát huy hơn nữa quan hệ Việt - Lào bền chặt mà Bác Hồ cùng lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Bài và ảnh: TRẦN HỮU PHƯỚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao/viet-lao-tinh-sau-nghia-nang-20230603205633211.htm