Việt Nam-AFTA: Sự trưởng thành từ cam kết khu vực đến hội nhập toàn cầu

Tham gia AFTA là những bước đi đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược đối ngoại trên cơ sở đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ với đối tác.

Chỉ một năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), năm 1996 Việt Nam đã tham gia vào Khu vực mậu dịch tự do của ASEAN (AFTA) - đây là những bước đi đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược đối ngoại trên cơ sở đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ với đối tác, trong đó lấy hợp tác kinh tế là nền tảng quan trọng - một trong 3 trụ cột trong hợp tác ASEAN.

Trở lại thời điểm năm 1995, khi Việt Nam chính thức tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là thời điểm đất nước vừa mới bước ra khỏi thời kỳ cấm vận và bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, mạnh mẽ. Trong những bước đi đầu tiên trong hội nhập với quốc tế, ở thời điểm đó Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - tổ chức quốc tế duy nhất đề ra những nguyên tắc thương mại giữa các quốc gia trên thế giới cũng vừa mới được thành lập (năm 1995).

Việt Nam-AFTA: Sự trưởng thành từ cam kết khu vực đến hội nhập toàn cầu (Ảnh minh họa: KT)

Việt Nam-AFTA: Sự trưởng thành từ cam kết khu vực đến hội nhập toàn cầu (Ảnh minh họa: KT)

Chỉ sau một năm trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á, Việt Nam đã tham gia vào Khu vực mậu dịch tự do của ASEAN (AFTA). Và trong suốt 24 năm qua, với việc tuân thủ, thực hiện các cam kết của Khối này đã giúp Việt Nam trưởng thành từ trong quan điểm về hội nhập đến từng khía cạnh thực thi các cam kết của hội nhập. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ví von: việc tham gia AFTA như là một “tấm bằng tốt nghiệp, tạo nên nền tảng quan trọng cho Việt Nam tiếp tục phát triển lên ở những tầm cao mới trong tiến trình hội nhập”.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vào năm 1996 khi tham gia xây dựng khối thương mại tự do AFTA và sau đó là hàng loạt những cam kết trong nội khối để tiếp tục mở cửa thị trường, có thể nói, chúng ta đã lần đầu tiên tập bơi và chúng ta đã bơi ngay được trong hồ tương đối lớn - với việc mở cửa thị trường tới 98% của tất cả mã HS cho các dòng sản phẩm. Và các nước ASEAN thì ngược lại còn cao hơn thế.

“Chúng ta đã thực sự hội nhập, với quan điểm rất mạnh mẽ, chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận những nguyên tắc trong kinh tế thị trường ở mức độ của khu vực và liên khu vực… Đó là nền tảng cho tất cả những chiến lược về hội nhập của chúng ta trong các giai đoạn sau này, kể cả trong lĩnh vực đối ngoại cũng như kinh tế. Bởi vì với những bước tham gia đầu tiên vào trong khối ASEAN của AFTA thì những cam kết của chúng ta với tư cách là thành viên của nhóm nước mà lúc đó chúng ta cũng nhận thức sẽ là một trung tâm kinh tế thương mại rất năng động của khu vực - không chỉ trong châu Á Mà còn cả khu vực châu Á Thái Bình Dương và thế giới…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

ASEAN gồm nhiều nền kinh tế đa dạng cả về trình độ phát triển, cả về quy mô cũng như các ngành nghề sản xuất. Xác định nếu đứng riêng lẻ để cạnh tranh với các đối tác bên ngoài thuộc các nền kinh tế phát triển có tiềm lực mạnh hơn sẽ rất khó khăn nên việc hợp tác để tạo ra không gian sản xuất chung, giúp các nước trong nội khối ASEAN có thể hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng phát huy lợi thế là một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác kinh tế ASEAN.

Từ thực tế của ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho rằng, không chỉ có lợi thế khi xuất nhập khẩu gỗ (chủ yếu Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ ASEAN) và được học hỏi cách thức quản trị cũng như tay nghề, lao động của các nước có thế mạnh về sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ từ ASEAN, kể từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập (vào năm 2016) đã mở ra những cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cho dù những cơ hội ấy “không chỉ màu hồng”.

“Trong Hiệp định FTA với EU có một chương là chương xuất xứ ngành gỗ. mà xuất xứ ngành gỗ có nghĩa là gì, trước đây, xuất xứ ngành gỗ Việt Nam chỉ là Việt Nam, người ta chỉ coi xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng bây giờ nó có một chương là Cộng đồng kinh tế được hình thành, gỗ của Malaysia vào Việt Nam thì coi như là gỗ của Việt Nam – gọi là xuất xứ cộng gộp, rất lợi thế. Thuế giảm đi rất nhiều mà quá trình kiểm tra cũng giảm đi rất nhiều, đó là lợi thế quan trọng. Thứ 2 là giá sẽ giảm đi. Thứ 3 quan trọng hơn nữa là FDI sẽ vào, cái này Việt Nam rất lợi”, ông Nguyễn Tôn Quyền dẫn chứng.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc hợp tác nhằm tạo ra không gian sản xuất chung được dựa trên hai cơ sở quan trọng, đó là phải củng cố hợp tác nội khối với nhau thông qua tăng cường kết nối và tạo sức hút để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là điều mà ASEAN tiếp tục tập trung trong thời gian tới.

“Theo khảo sát của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại khu vực, có trên 80% các công ty đa quốc gia ở trong khu vực nói là việc các nước ASEAN hội nhập với nhau chính là một yếu tố quan trọng để họ xem xét khả năng có đầu tư ở khu vực hay không. Đây là một điểm mạnh ASEAN cũng đã luôn hướng đến trong thời gian qua. Ví dụ một số tiêu chuẩn hay một số cách thức để điều tiết những hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực thì ASEAN cũng học tập nhau để tạo ra cách tiếp cận mang tính thống nhất, để từ đó các doanh nghiệp đa quốc gia vào khu vực thì sẽ được thuận tiện hơn. Chính vì vậy, ASEAN đã đẩy mạnh được vai trò của mình và chúng ta cũng thúc đẩy hợp tác trong ASEAN theo hai hướng đó”, ông Lương Hoàng Thái cho biết thêm.

Theo kế hoạch, Tuần lễ cấp cao ASEAN 37 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm nay với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên ASEAN. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam cho biết, sẽ có 7 sự kiện doanh nghiệp – hạt nhân của các nền kinh tế, hợp tác và kết nối hiệu quả trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam đưa ra sáng kiến xây dựng “Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN”. Đây sẽ là một nền tảng số để kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong các nền kinh tế ASEAN.

“Trước đây, chúng ta đã thành lập mạng lưới doanh nghiệp nữ ASEAN cũng là sáng kiến của Việt Nam và đang hoạt động rất tích cực, ABA - Giải thưởng doanh nghiệp ASEAN cũng được tổ chức thường xuyên và đó cũng là đóng góp của Việt Nam. Và lần này chúng ta sẽ đóng góp dự án di sản nữa là Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN. Tinh thần khởi nghiệp sẽ là động lực chính trong sự phát triển của ASEAN và mạng lưới này trước hết phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ - nhỏ và vừa. Và khi thiết lập mạng lưới kết nối – nền tảng này thì tôi rất hoan nghênh các Công ty tư vấn hàng đầu, các nhà quản trị hàng đầu của chúng ta xây dựng những mô hình quản trị để có thể kết nối rộng rãi trên nền tảng số ASEAN này”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động rất mạnh mẽ đến nền kinh tế của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy rõ rằng, nếu một nền kinh tế có quy mô nhỏ hoặc trung bình thì rất khó có thể đơn phương cạnh tranh được trong lĩnh vực đó. Đơn cử như lĩnh vực thương mại điện tử, nếu một nền kinh tế có quy mô khoảng 100 triệu dân thì khó có thể đứng đơn độc để phát triển thương mại điện tử hay là dữ liệu lớn trong cách mạng 4.0. Chính vì vậy, nếu như ASEAN cùng gắn kết nhau lại để tạo ra một thị trường 600 triệu dân, và “mạng lưới khởi nghiệp ASEAN” được kết nối trên nền tảng số thì đây chính là cơ hội hiện hữu để khai thác, phát triển những lĩnh vực đầy tiềm năng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - mà thương mại điện tử trong ASEAN được đánh giá là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng thuộc loại lớn nhất thế giới hiện nay./.

Nguyên Long - Thu Trang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/viet-namafta-su-truong-thanh-tu-cam-ket-khu-vuc-den-hoi-nhap-toan-cau-1075391.vov