Việt Nam - Ấn Độ: Nhiều dư địa để mở rộng hợp tác

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tin tưởng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đến Việt Nam (18-20/11) sẽ tạo thêm một động lực mới cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai bên, với quyết tâm đưa mối quan hệ song phương ngày càng thực chất và hiệu quả.

Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đến Việt Nam lần này là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Ấn Độ tới Việt Nam sau khi ông nhậm chức vào tháng 7/2017 và chuyến thăm cấp cao lẫn nhau lần thứ ba trong năm của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ. Đánh giá của Đại sứ về chuyến thăm quan trọng này?

Việt Nam cũng là nước Châu Á đầu tiên Tổng thống Ram Nath Kovind thăm sau khi ông nhậm chức. Điều này khiến tôi liên tưởng đến một sự kiện lịch sử là Thủ tướng Jawaharlal Nehru là chính khách nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Một điều đặc biệt nữa là, cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ và đã được Thủ tướng J. Nehru và nhân dân Ấn Độ chào đón như “một nhà cách mạng vĩ đại và một người anh hùng huyền thoại”.

Đại sứ Phạm Sanh Châu tham dự Hội chợ quốc tế về Lụa Ấn Độ ngày 16/10 tại New Delhi. (Nguồn: Đại sứ quán)

Chuyến thăm của Tổng thống Ram Nath Kovind một lần nữa là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và đang phát triển ngày càng tốt đẹp, hiệu quả giữa hai bên. Từ khi hai nước ký kết Đối tác Chiến lược Toàn diện, hàng năm đều có các chuyến thăm cấp cao như: Thủ tướng Narendra Modi thăm Việt Nam (9/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Ấn Độ (tháng 12/2016); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Ấn Độ (tháng 7/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ (tháng 1 và tháng 3/2018).

Việc trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao thường xuyên củng cố thêm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Những điểm tương đồng về lợi ích chiến lược cũng như quan điểm đối với các vấn đề quốc tế trở thành nền tảng vững chắc để hai bên phát triển mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh,…ngày càng thực chất và sinh động. Đối với Ấn Độ, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông, là đối tác đáng tin cậy trong các nước ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam luôn xem Ấn Độ là người bạn đáng tin cậy, ủng hộ vai trò nổi bật hơn của Ấn Độ trong ASEAN.

Có điều gì đặc biệt nữa về chuyến thăm mà Đại sứ muốn chia sẻ?

Một điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Ram Nath Kovind là đến thăm Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam, là Di sản Văn hóa thế giới UNESCO. Đây là di tích Ấn Độ giáo của vương quốc Champa, hiện đang được Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo.

Đại sứ Phạm Sanh Châu trao đổi cùng Chủ tịch Hội đồng thành phố New Delhi. (Nguồn: Đại sứ quán)

Đối với nhiều người Ấn Độ, đến thăm Mỹ Sơn giống như việc tìm đến với những giá trị thân thuộc của đất nước mình ở một quốc gia Đông Nam Á xa xôi. Các tháp Chăm đã trở thành những đài tưởng niệm về sự giao lưu văn hóa sâu rộng giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Hơn một tháng ở Ấn Độ, cảm giác của Đại sứ thế nào?

Phải nói là vô cùng ngạc nhiên và thú vị. Đất nước Ấn Độ đưa đến cho tôi nhiều cảm nhận mới mẻ. Lần đầu đến Ấn Độ cách đây 21 ở thành phố Mumbai và một số chuyến công tác tháp tùng các lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Ấn Độ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn khiến tôi khó có thể cảm nhận được đầy đủ về “tiểu lục địa” này.

Ấn tượng đầu tiên là không gian xanh. Mặc dù những ngày này các phương tiện truyền thông đưa tin về mức độ “ô nhiễm báo động” ở New Delhi nhưng là nhà ngoại giao đã đi rất nhiều nước trên thế giới, khó có thể thấy nước nào có nhiều cây xanh như ở Ấn Độ.

Ấn tượng nữa là con người Ấn Độ. Tôi đã tiếp xúc quan chức, các học giả, các doanh nghiệp, người dân… Là những con người vô cùng thân thiện, cởi mở, luôn nhìn Việt Nam như một đất nước đang phát triển năng động và đẩy triển vọng. Tiếp xúc với họ, tôi mới thấy dư địa để mở rộng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ đang vô cùng to lớn.

Được biết, lịch trình hoạt động của Đại sứ luôn dày đặc?

Với một nhà ngoại giao, đặc biệt là với vai trò là một Đại sứ mới, tôi gần như tận dụng tối đa các cuộc gặp gỡ. Chào xã giao quan chức sở tại, tham gia các hoạt động của ngoại giao đoàn, tham dự các hội nghị, hội thảo và đặc biệt là hỗ trợ các đoàn từ Việt Nam sang.

Đại sứ Phạm Sanh Châu tại một Hội thảo về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Nguồn: Đại sứ quán)

Với phương châm “Việt Nam là trước hết”, tôi và các cán bộ, nhân viên trong Đại sứ quán luôn hỗ trợ các đoàn từ Việt Nam sang được nhiều nhất có thể, từ đoàn quan chức các Bộ, Ngành, tỉnh thành, cho đến các doanh nghiệp, các học giả, các em học sinh tham dự các kỳ thi…

Đặt chân xuống New Delhi tối mùng 2/10 thì từ mùng 3/10 tôi đã có mặt ở bang Tamil Naidu cách thủ đô 2000 cây để tham dự hoạt động của tàu cảnh sát biển Việt Nam. Sau đó liên tiếp trong tháng 10, Đại sứ quán đã hỗ trợ các Đoàn xúc tiến thương mại đầu tư của Chủ tịch Tỉnh ủy Hậu Giang, đoàn của tỉnh Quảng Nam thăm Ấn Độ theo Chương trình Khách quý, đoàn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn dự hội nghị và làm việc với các bộ, ngành của Ấn Độ, đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ Hàng tiêu dùng quốc tế...

Những ví dụ đơn cử trên cho thấy các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc doanh nghiệp, trao đổi học giả, nghệ thuật, giáo dục, giao lưu nhân dân diễn ra vô cùng sôi động.

Ưu tiên phát triển quan hệ hai nước của Đại sứ trong nhiệm kỳ này là gì?

Đó là thúc đẩy hợp tác sâu rộng, xứng tầm với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Trong đó, ưu tiên tạo đột phá mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ; tăng lượng du khách Ấn Độ vào Việt Nam?

Dường như có nhiều lý do để lạc quan về triển vọng thương mại hai nước?

Đúng vậy! Bên cạnh quan hệ tốt đẹp về chính trị - ngoại giao, quốc phòng -an ninh, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc. Ấn Độ đã trở thành một trong 12 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (giữa) cho rằng mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi. (Nguồn: Đại sứ quán)

Kể từ khi hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược năm 2007, thương mại song phương đã tăng 5 lần trong 10 năm qua từ mức 1,53 tỷ USD năm 2007 lên gần 7,7 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng 21 lần, cả năm 2007 xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ đạt 180 triệu USD tăng lên 3,76 tỷ trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm đạt 41%/ năm.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong năm tài chính 2017 - 18 đạt 12,83 tỷ USD, tăng 26,96% so với năm trước, trong đó Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam đạt 7,81 tỷ USD tăng 15,13%, nhập khẩu 5,01 tỷ USD tăng 51,14%. Riêng trong 10 tháng năm 2018, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đã đạt 9,2 tỷ UDS, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với đà tăng trưởng như trên cùng với quyết tâm của chính phủ và doanh nghiệp hai bên, mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020 như Lãnh đạo hai nước đề ra hoàn toàn có thể đạt được và hai nước có thể tự tin đặt mục tiêu thương mại mới.

Cảm ơn Đại sứ!

Vân Hòa

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/viet-nam-an-do-nhieu-du-dia-de-mo-rong-hop-tac-81648.html