Việt Nam – Ba Lan phát huy tối đa tiềm năng hợp tác để cùng phát triển

Tháng 11 tới đây, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến đi sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ba Lan tới Việt Nam, cả hai nước đã có những bước chuẩn bị tích cực. Hồi cuối tháng 6/2017, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan Tadeusz Koscinski để phối hợp chuẩn bị nội dung kinh tế cho chuyến thăm. Báo chí hai nước cũng thường xuyên đưa tin về các cuộc trao đổi các cấp trong chính phủ cũng như hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên khi chuyến đi đang ngày càng cận kề.

Ông Pawel Behrendt, chuyên gia nghiên cứu về châu Á của CSPA - Trung tâm nghiên cứu chính trị hàng đầu Ba Lan, trả lời phỏng vấn của phóng viên Infonet.

Cũng nhân sự kiện quan trọng này, ông Pawel Behrendt, chuyên gia nghiên cứu về châu Á của CSPA - Trung tâm nghiên cứu chính trị hàng đầu Ba Lan đã có bình luận và đánh giá về mối quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan. Ông Pawel Behrendt nhận định, “Việt Nam và Ba Lan đã có một mối quan hệ đối tác lâu dài và mối quan hệ đó rất tốt đẹp. Đặc biệt có rất nhiều người Việt Nam đã và đang học tập tại Ba Lan. Điều này tạo ra một tiềm năng lớn cho quan hệ của hai nước”.

Theo thống kê sơ bộ của Đại sứ quán Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, cộng đồng người Việt tại Ba Lan lên đến khoảng 30.000 – 60.000 người và được đánh giá là cộng đồng nhập cư lớn nhất của Ba Lan có nền văn hóa không phải là Châu Âu. Những người Việt đầu tiên tới đây là vào những năm của thập niên 1950 -1980 dưới hình thức trao đổi sinh viên giữa hai quốc gia Việt Nam - Ba Lan.

Tuy nhiên, ông Pawel Behrendt cũng cho rằng hai nước chưa phát huy tối đa được cơ hội để cùng nhau hợp tác và phát triển. “Trong quan hệ ngoại giao, tôi cho rằng cả hai bên vẫn chưa có nhiều hợp tác trao đổi. Về phía Ba Lan cũng chưa có nhiều ý tưởng để khai thác tiềm năng này”, ông Pawel Behrendt nói.

Đánh giá về sự phát triển của Việt Nam, ông Pawel Behrendt cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến thần kỳ và định hình vị trí của mình trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Theo ông Pawel Behrendt, “Việt Nam hiện đã trở thành một con hổ mới của châu Á. Điều này lại càng khiến các cơ hội phát triển ngày càng mở rộng hơn nữa”.

Chuyên gia đã lấy ví dụ thực tế về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong những năm 60-70 hay Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây. Ông cho rằng trong những thập kỷ tới, Việt Nam nói riêng và các quốc gia Đông Nam Á khác cũng sẽ có những bước phát triển đột phá như vậy và nổi lên như những nền kinh tế lớn của khu vực.

Trung tâm thương mại châu Âu Ba Lan – một nơi tập trung nhiều người Việt buôn bán ở thủ đô Warsaw.

Cũng theo ông, để phát huy tối đa những cơ hội Việt Nam và Ba Lan đang có, hai nước nên tập trung vào các lĩnh vực vừa là thế mạnh, vừa trúng nhu cầu của cả hai bên như trao đổi giáo dục, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế như ngành thực phẩm hay nội thất.

Ông Pawel Behrendt cũng tỏ ra tiếc khi các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ba Lan tại hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa có nhiều, khiến cho việc giao lưu nhân dân hai nước chưa được nhiều.

Là một chuyên gia nghiên cứu về các quốc gia châu Á, đã đến nhiều nơi trong khu vực, ông Pawel Behrendt đặc biệt có cảm tình với Việt Nam. Ông không có cảm giác xa lạ với người dân Việt Nam bởi ở Ba Lan có rất nhiều người Việt học tập, làm ăn và sinh sống. Ông đã từng trải nghiệm các món ăn truyền thống của Việt Nam trên đất Ba Lan. Tuy nhiên, khi được trải nghiệm ngay tại Việt Nam, ông cảm nhận được sự tuyệt vời của các món ăn này. Ông chia sẻ: “Việt Nam rất tuyệt, người dân rất tốt và thân thiện, cũng là điểm đến tuyệt vời cho các kỳ nghỉ lễ và kinh doanh”.

Từ năm 1993 đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam và Ba Lan hai chiều liên tục tăng. Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống như công nghiệp khai khoáng, địa chất, chế tạo máy, cơ khí... hiện nay hợp tác giữa hai nước đang được mở rộng trên các lĩnh vực thủy sản, bảo tồn di tích lịch sử, công nghiệp đóng tàu...
Nhờ có chính sách cấp tín dụng, trong những năm gần đây xuất khẩu nguyên liệu máy, thiết bị phục vụ công nghiệp đóng tàu luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu của Ba Lan sang nước ta. Trong thời gian tới, Ba Lan mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch.

Năm 2006, tổng kim ngạch song phương tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 330 triệu USD. Từ 2001 - 2006, kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng ba lần, từ 117 triệu USD lên 330 triệu USD. Dự kiến năm 2007 có thể lên 350 triệu USD.

Việt Nam xuất sang Ba Lan chủ yếu hàng may mặc, nông sản, thực phẩm và nhập khẩu sữa bột, tân dược, thiết bị lẻ cho ngành than, đóng tàu, sắt, thép và một số mặt hàng tiêu dùng, nông phẩm.

Theo các chuyên gia ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Ba Lan thời gian qua tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Ba Lan đạt khoảng 50 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Ba Lan tiếp tục coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng, cần tăng cường quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2006, FDI của Ba Lan vào Việt Nam khoảng hơn 92 triệu USD. Năm 1999, Ba Lan đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng hỗ trợ ưu đãi 70 triệu USD và đã được giải ngân vào năm 2003.

Ba Lan được đánh giá là bạn hàng số một của Việt Nam trong các nước Đông Âu; là một trong những nước chủ động xóa nợ cũ cho nước ta; cho Việt Nam vay tín dụng ưu đãi để phát triển ngành đóng tàu thủy, năng lượng.

Năm 2000, Ba Lan đã quyết định viện trợ ODA cho Việt Nam là 0,2 triệu USD. Năm 2005, 2006, tại Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam, Ba Lan đã quyết định cấp ODA cho nước ta là 0,3 triệu USD/năm.

Phan Sương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/viet-nam-ba-lan-phat-huy-toi-da-tiem-nang-hop-tac-de-cung-phat-trien-post238130.info