Việt Nam cam kết bảo đảm, thúc đẩy ngày càng tốt hơn quyền con người

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo 'Công tác nhân quyền 2018 và kết quả triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc'.

Dự hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH); ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH); bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Những kết quả đạt được

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, năm 2018 là năm kỷ niệm 70 năm ngày nhân quyền thế giới và cũng là năm Việt Nam xây dựng Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 3 (UPR). Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực xây dựng chính sách, pháp luật và chỉ đạo triển khai các chính sách trong lĩnh vực được giao đạt được các kết quả tích cực, đảm bảo thực hiện quyền con người về mặt an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH).

Trên cơ sở đó, hội thảo nhằm thông tin những kết quả đạt được trong công tác nhân quyền năm 2018 của Bộ LĐ-TB&XH và kết quả triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ 2 trong lĩnh vực quản lý của Bộ. Đồng thời, hội thảo mong muốn lắng nghe ý kiến chia sẻ, phản hồi cũng như khuyến nghị của các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quyền lao động và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương để Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp, hoàn thiện các nội dung, chuẩn bị cho phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III dự kiến vào tháng 1/2019.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống mua bán người được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã tổ chức gần 250.000 cuộc truyền thông cộng đồng cho trên 15 triệu lượt người tham dự. Tính đến hết ngày 15/5/2018, Việt Nam có 224.690 người nghiện có hồ sơ quản lý. Người nghiện ma túy được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ điều trị, cai nghiện, học văn hóa, học nghề và kết nối hỗ trợ tìm việc làm. Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam đã chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy; khuyến khích cai nghiện tự nguyện, giảm dần cai nghiện bắt buộc và phát triển hệ thống điều trị, cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS được đối xử bình đẳng.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Tính đến hết ngày 15/5/2018, Việt Nam có 224.690 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia vào Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 26,71%, tăng hơn nhiệm kỳ trước tới 2,62%; tỷ lệ đại biểu nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,54% (tăng 1,37%), cấp huyện đạt 27,85% (tăng 3,23%), cấp xã 26,59% (tăng 4,88%). Tính đến 12/2017, có 12/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ có nữ là lãnh đạo; 16/63 tỉnh, thành phố có lãnh đạo nữ. Trong tổng số 15.514.300 học sinh ở Việt Nam (năm học 2016-2017) có 7.618.500 em là nữ (49,1%); tỉ lệ trẻ em gái nhập học đúng độ tuổi tương đương với tỉ lệ trẻ em trai. Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 43%, nữ tiến sỹ đạt 21%. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 72,5%; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh trên 27,8%.

“Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ năm 2015, Việt Nam, phối hợp với UNWOMEN phát động phong trào “He for She”. 100% đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Dịch vụ bình đẳng giới bước đầu được triển khai ở một số Trung tâm công tác xã hội cũng như tại cộng đồng, đặc biệt là mô hình Trung tâm hỗ trợ hôn nhân, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, nhà tạm lánh, tạm trú, mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp...”, bà Huyền nói.

Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay: Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia vào Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 26,71%.

Về bảo đảm quyền trẻ em, theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), bảo đảm quyền trẻ em đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi được chăm sóc tại các cơ sở mầm non đã tăng từ 11,0 % năm học 2000-2001 lên 27,7% vào năm học 2016-2017, tăng 1,5% so với 2016. Tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi đi học tại trường mầm non đã tăng từ 49% tăng lên 80,5% từ 2000-2013, và 92% trong năm học 2016-2017. Đối với nhóm trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1, tỷ lệ đến trường tăng từ 72% vào năm học 2000-2001 lên 98% vào năm học 2016-2017. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp năm 2017 là 87%, đạt 100% kế hoạch đề ra. Cùng với đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Trẻ em và tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em số 111. Từ 2016 đến tháng 5/2018, Tổng đài 111 đã tư vấn 975 ca xâm hại tình dục trẻ em và 1045 ca bạo lực với trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp năm 2017 là 87%, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Những khó khăn, thách thức, ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong thời gian tới

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn, đó là, khuôn khổ pháp lý về quyền con người vẫn đang cần tiếp tục hoàn thiện, trong đó phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp lý để phù hợp với Hiến pháp. Đồng thời, Việt Nam đang phải tiếp tục nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn chủ quan và khách quan để bảo đảm nguồn lực cần thiết dành cho phát triển, đặc biệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội. Cùng với đó, tầm bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay còn khiêm tốn, nhất là đối với người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương. Nguy cơ gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ luôn hiện hữu giữa các khu vực địa lý, các cộng đồng và các nhóm dân cư. Về công tác giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người còn đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực và thời gian để có hiệu quả rộng khắp. Việc cân bằng giữa bảo vệ giá trị văn hóa, phong tục của các cộng đồng với bảo đảm chống phân biệt đối xử và phổ cập thụ hưởng quyền con người còn nhiều thách thức.

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục phát huy những bước phát triển mới về thể chế, pháp luật và chính sách, nỗ lực vượt qua các thách thức, thông qua thực hiện “Chính phủ kiến tạo vì người dân” và thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam cam kết tiếp tục phấn đấu không ngừng để bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn quyền con người. Việt Nam mong muốn đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với các nước trong chu kỳ UPR III và tích cực xem xét các khuyến nghị, nhất là các khuyến nghị hướng tới các vấn đề mà Việt Nam ưu tiên, phù hợp với nguồn lực hiện có và điều kiện, tình hình cụ thể của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa thực hiện phát triển bền vững thông qua thực hiện các SDGs và VSDGs, trong đó chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương. Trong đó, Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng để giảm thiểu bất bình đẳng về tiếp cận với các dịch vụ liên quan đến quyền con người, an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng giới.

Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III cho biết, tại chu kỳ II của cơ chế UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị. Tính đến tháng 10/2018, Việt Nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), trong đó có 159 khuyến nghị đã được thực hiện hoàn toàn, 16 khuyến nghị đã được thực hiện một phần và đang được tiếp tục thực hiện. 7 khuyến nghị đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Không có khuyến nghị nào đã được chấp thuận mà chưa được xem xét thực hiện. Một số khuyến nghị liên quan đến việc xây dựng và sửa đổi luật pháp Việt Nam cũng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, sau đó được tham vấn rộng rãi giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và người dân. Các dự thảo luật đã được trình lên Quốc hội xem xét. Một số điều chỉnh đã được Quốc hội chấp thuận; một số nội dung khác, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thêm.

HOA HẠ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/viet-nam-cam-ket-bao-dam-thuc-day-ngay-cang-tot-hon-quyen-con-nguoi-d85034.html