Việt Nam cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, việc làm

Việt Nam luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực lao động và việc làm...

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tham dự Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ theo hình thức trực tuyến. Ảnh - MOLISA.

Ngày 29/9, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ do Indonesia chủ trì đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là sáng kiến do Hoa Kỳ đề xuất tổ chức trong năm 2022 nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của Đối thoại nhằm thảo luận về hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt về lồng ghép giới; phòng chống bạo lực; phụ nữ, an ninh và hòa bình và quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, bà I Gusti Ayu Bintang Darmawati, Bộ trưởng Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) giai đoạn 2021-2023 đánh giá cao những cam kết và sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho ASEAN trong lĩnh vực thúc đẩy và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, với việc xây dựng Khung Chiến lược Lồng ghép giới trong ASEAN và Kế hoạch Hành động khu vực về Phụ nữ, An ninh và Hòa bình để trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 ghi nhận và thông qua.

Bà cũng tự hào về những tiến tiến bộ của khu vực ASEAN trong việc tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ với việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính bao trùm, để cải thiện năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN, tăng cường tinh thần và tiềm năng kinh doanh của phụ nữ trong ASEAN và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi mọi hình thức bạo lực.

Tại Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hà khẳng định rằng Việt Nam luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực lao động và việc làm.

Điều này đã được thể hiện trong những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách như sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gian đoạn 2021-2030.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm, đặc biệt là áp dụng các công nghệ dạy học tiên tiến, các chương trình học tập linh hoạt từ xa nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động nữ.

Việt Nam cũng đã thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh và các Nghị quyết liên quan khác.

Tính từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 74 nữ quân nhân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trong đó 8 sĩ quan hoạt động độc lập; 45 người trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 21 người trong đội Công binh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng trong thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thực hiện các cam kết về bình đẳng giới để thực sự tăng cường quyền năng cho phụ nữ trong tương lai việc làm và phục hồi sau đại dịch.

Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung của Đối thoại, trong đó khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện Khung Chiến lược Lồng ghép Giới của ASEAN, Kế hoạch làm việc của Ủy ban ASEAN về Phụ nữ (ACW) (2021-2025), các khuôn khổ và kế hoạch làm việc liên quan của ASEAN.

Nhật Dương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-cam-ket-thuc-day-binh-dang-gioi-trong-lao-dong-viec-lam.htm