Việt Nam cần thêm 368 tỷ USD cho tăng trưởng xanh

Lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần có thêm 6,8% GDP đầu tư mỗi năm, tức 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa trong số đó cần có từ khu vực tư nhân.

Đây là dự báo nằm trong Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023.

Tại diễn đàn, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế - chỉ ra rằng trong lịch sử, Việt Nam đã đóng góp khá ít trong phát thải khí nhà kính. Nhưng hai thập niên vừa qua, với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm dụng về carbon nhất ở Đông Á.

Khi nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tham vọng tại COP26 để có được trung hòa carbon vào năm 2050 và hiện thực hóa nỗ lực này.

"Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có", ông Jacobs nhấn mạnh.

 Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Jacobs cho rằng để huy động được 368 tỷ USD cho lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững, chúng ta phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.

Thứ hai, cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này.

Thứ ba, cần có thị trường vốn để có được các mô hình huy động trái phiếu bền vững và các cấu trúc này để Việt Nam đạt được những nguồn tài chính cần thiết trong lộ trình biến đổi khí hậu của mình.

Cuối cùng, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân hơn nữa, thêm cơ hội cho họ trong thị trường carbon. "Điều này cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mới cho nền kinh tế xanh Việt Nam", ông cho biết.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-can-them-368-ty-usd-cho-tang-truong-xanh-post1413282.html