Việt Nam chỉ mua được tiêm kích F-16 đã qua sử dụng?

Có khả năng Việt Nam sẽ chỉ mua những vũ khí Mỹ đã qua sử dụng, gồm cả chiến đấu cơ F-16 và máy bay săn ngầm P-3C Orion.

Theo tờ Armyrecognition và cả The Diplomat, bất kỳ vũ khí nào được Mỹ bán cho Việt Nam sẽ được thực hiện theo Chương trình vũ khí thặng dư. Đó là chương trình cho phép Mỹ bán các thiết bị vũ khí đã qua sử dụng cho các đối tác với giá giảm và sẽ do Lầu Năm Góc chủ trì. Thực tế không chỉ có Việt Nam mà lâu nay, đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan cũng chỉ mua vũ khí qua sử dụng từ Mỹ.

Như vậy, nếu Việt Nam quan tâm tới việc mua sắm chiến đấu cơ F-16 của Mỹ thì khả năng cao chúng ta chỉ được chọn những chiếc máy bay đang được lưu giữ tại căn cứ không quân David-Mothan (trung tâm lưu giữ máy bay đã qua sử dụng), nằm tại bang Azirona.

Khoảng 4.500 chiếc F-16 đã được chế tạo từ giữa những năm 1970 tới nay với nhiều phiên bản cải tiến lớn như F-16 A/B, F-16 C/D, F-16 E/F. Trong đó, riêng Quân đội Mỹ từng sử dụng tới 2.500 chiếc F-16A/B/C/D. Và hiện tại hầu như số F-16A/B (khoảng 500 chiếc) đã ngừng hoạt động, và thay mới bằng số F-16 C/D hiện đại hơn.

Thế nên, không loại trừ khả năng nếu mua F-16, Việt Nam sẽ nhận được phiên bản thế hệ đầu của dòng máy bay này – F-16 A/B.

Tất cả các máy bay nằm trong kho lưu giữ của Mỹ, không chỉ F-16A/B sẽ được nâng cấp thay mới cánh và các bộ phận cứng khác trước khi được bàn giao cho khách hàng.

F-16A/B là phiên bản sản xuất hàng loạt đầu tiên của dòng máy bay chiến đấu F-16 do hãng General Dynamics và Lockheed Martin phát triển và sản xuất từ giữa những năm 1970 tới nay. Đặc trưng thiết kế của F-16 là dùng kiểu cánh tam giác, với cửa hút không khí động cơ đặt ở dưới bụng máy bay.

Có một điều đặc biệt là chiếc tiêm kích F-16 được phát triển dựa trên kinh nghiệm thu từ cuộc không chiến với các máy bay MiG-21 nhỏ gọn, lanh lợi của Không quân Việt Nam. Thực vậy, nó có kích cỡ nhỏ hơn hẳn các tiêm kích hạng nặng F-4 Phantom II mà Mỹ sử dụng phổ biến trong các cuộc xung đột, chiến tranh giai đoạn 1960-1970.

Phiên bản đầu tiên của dòng máy bay F-16 là F-16A/B (F-16A một chỗ ngồi và F-16B hai chỗ ngồi có thể phục vụ huấn luyện) sử dụng động cơ phản lực F100-PW-200 cung cấp lực đẩy 64,9kN và 106kN với đốt phụ lần hai. Động cơ này cho F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2, bán kính tác chiến (mang vũ khí) khoảng 500-600km.

Những chiếc F-16A/B được trang bị radar điều khiển hỏa lực AN/APG-66 cung cấp 4 chế độ tác chiến không đối không và 7 chế độ tác chiến không đối đất, hỗ trợ tác chiến ban đêm hoặc điều kiện thời tiết xấu, tầm trinh sát trên không trong môi trường bị nhiễu khoảng 83km.

Tuy có tính cơ động cao, radar khá mạnh (vào thời điểm những năm 1970-1980), tuy nhiên hỏa lực ban đầu của F-16A/B nằm ở mức hạn chế, không sử dụng được một số loại tên lửa không đối không tầm xa, tên lửa không đối đất và tên lửa chống hạm Harpoon.

Với một phiên bản F-16 hạn chế như vậy, Việt Nam có thể lựa chọn mẫu máy bay chiến đấu Nga như MiG-29 có khả năng tác chiến tốt hơn. Nhưng, các công ty Mỹ luôn biết cách chiều lòng “thượng đế”. Họ có những gói nâng cấp giúp tiêm kích F-16A/B sở hữu khả năng tác chiến ngang ngửa phiên bản F-16C/D Block 50/52 cực kỳ hiện đại.

Ví dụ điển hình là gói nâng cấp F-16AM/BM Block 20 MLU được nâng cấp buồng lái cùng hệ thống điện tử hàng không như radar tương đương với phiên bản F-16C/D Block 50/52 cực kỳ hiện đại. Nó có khả năng triển khai tên lửa không đối không tự dẫn radar như AIM-120 (có tầm phóng hơn 100km), mở rộng hiệu suất, cải thiện độ tin cậy...

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/viet-nam-chi-mua-duoc-tiem-kich-f-16-da-qua-su-dung-695333.html