Việt Nam chia sẻ khía cạnh Pháp ngữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Không gian Pháp ngữ là một trong những lãnh thổ hoạt động chủ yếu của các phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với khoảng gần hai phần ba các hoạt động của Liên hợp quốc đã được triển khai tại đây.

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo quốc tế chủ đề “Việt Nam và các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong môi trường Pháp ngữ,” với sự hỗ trợ của Văn phòng Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Văn phòng Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng; các đại sứ, tùy viên quân sự các nước; đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo tập trung bàn về những kinh nghiệm của Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình; nhìn lại những thành tựu chung, thách thức và trở ngại đặt ra cho các nước Pháp ngữ.

Từ đó, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong quá trình đóng góp, tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong tương lai.

Khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị, mức độ cam kết của Việt Nam về việc tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thời gian tới với Cộng đồng Pháp ngữ và các đối tác.

Đây cũng là cơ hội chia sẻ, trao đổi về khía cạnh Pháp ngữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cùng nghiên cứu để đưa ra được các cơ chế, nội dung hợp tác cụ thể về song phương và đa phương, giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động gìn giữ hòa bình trong tương lai, nhất là tại các Phái bộ Pháp ngữ.

Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết chính thức tham gia đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014, sau 5 năm thể chế hóa các hoạt động cấp quốc gia và chuẩn bị nhân lực, đến năm 2019, Việt Nam đã triển khai 40 lượt sỹ quan theo hình thức cá nhân tại hai Phái bộ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, cùng với đó là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan (thay thế sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 về nước).

Đồng thời, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đội Công binh để triển khai tại một phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi có yêu cầu.

Những nỗ lực nói trên đã góp phần thể hiện cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình nói riêng; cũng như mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Désire Nyaruhirira, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho rằng, cam kết của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Không gian Pháp ngữ là một trong những lãnh thổ hoạt động chủ yếu của các phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với khoảng gần hai phần ba các hoạt động của Liên hợp quốc đã được triển khai tại đây.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, hiện nay, các nước Pháp ngữ đang tham gia đóng góp ngày càng nhiều vào các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Nếu như các nước nói tiếng Pháp phía Bắc như Pháp, Canada, Bỉ… thời gian gần đây tập trung vào việc hỗ trợ, đào tạo các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình thì các nước phía Nam (các nước châu Phi và châu Á) đang gia tăng số lượng cán bộ được cử đi làm nhiệm vụ.

Việt Nam cần cố gắng ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Cộng đồng Pháp ngữ, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động duy trì hòa bình có mối liên hệ chặt chẽ với không gian Pháp ngữ./.

Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-chia-se-khia-canh-phap-ngu-trong-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh/611688.vnp