Việt Nam chống bệnh sốt xuất huyết bằng số liệu quan trắc từ vệ tinh

Đây là lần đầu tiên một hệ thống dự báo dựa trên quan trắc trái đất cho phép xác định được các khu vực có rủi ro cao đối với dịch bệnh trước khi nó bùng phát lan rộng.

Sốt xuất huyết hiện đang là vấn đề y tế công cộng trên toàn cầu, bệnh có thể gây thành dịch lớn, có tỷ lệ tử vong cao

Sốt xuất huyết hiện đang là vấn đề y tế công cộng trên toàn cầu, bệnh có thể gây thành dịch lớn, có tỷ lệ tử vong cao

Ngày 19.3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phối hợp cùng một liên minh đối tác do HR Wallingford đứng đầu, công bố một dự án chung, xây dựng các công cụ sáng tạo giúp các đơn vị hưởng lợi cảnh báo sớm trước nhiều tháng về khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Dự án “Hệ thống dự báo Mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” (D-MOSS) được tài trợ bởi Chương trình Đối tác Quốc tế của Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh, trong đó tổ chức HR Wallingford là cơ quan chủ chốt, chương trình được phối hợp với Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Luân Đôn, Cơ quan Khí tượng Thủy văn Vương quốc Anh, Tổ chức Quản lý Chính sách của Vương quốc Anh, và các đối tác quốc tế: UNDP, WHO, Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu Việt Nam, Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

D-MOSS sẽ sử dụng công nghệ quan trắc trái đất để phát triển công cụ cảnh báo dịch sốt xuất huyết và đưa ra các đánh giá về nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua vật chủ trung gian trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sử dụng đất trong tương lai.

Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cũng cho biết, dự án sẽ được triển khai trong 3 năm, từ năm 2019 tới năm 2021, cho phép Chính phủ Việt Nam, các cơ quan y tế công cộng và người dân có những hành động thích hợp để giảm thiểu tác động và thiệt hại của dịch sốt xuất huyết.

Số liệu thống kê về bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam trong năm 2015-2016

Theo đánh giá của các tổ chức y tế, tại Việt Nam, sốt xuất huyết là một dịch bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ có liên quan đến các yếu tố xã hội như đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, sự tiếp cận hạn chế tới các dịch vụ cơ bản và biến đổi khí hậu. Riêng năm 2017, Việt Nam phải đối diện với sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết. Hậu quả là hơn 170.000 trường hợp nhiễm bệnh ở hầu hết các tỉnh và thành phố. Điều này không những gây ra vấn đề to lớn đối với y tế công cộng về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ bệnh nhân tử vong, mà còn về chi phí kinh tế và xã hội cho người bệnh và toàn xã hội.

Ông Darren Lumbroso - Giám đốc Dự án D-MOSS của HR Wallingford cho biết đây là lần đầu tiên một hệ thống dự báo dựa trên quan trắc trái đấy cho phép những người ra quyết định xác định được các khu vực có rủi ro cao đối với dịch bệnh trước khi bùng phát dịch để sử dụng các nguồn lực nhằm giảm sự lây lan và tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Dự án D-MOSS được triển khai cụ thể từ tháng 6. 2019 tới tại 4 tỉnh Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đắk Lắk.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/viet-nam-chong-benh-sot-xuat-huyet-bang-so-lieu-quan-trac-tu-ve-tinh-109405.html