Việt Nam chủ động, nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn

Sáng ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019 với chủ đề '32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ô-dôn' và Hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II).

Lễ kỷ niệm tiếp tục khẳng định tầm quan trọng Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn) - một trong những hiệp ước quốc tế về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thành công nhất trong lịch sử.

Việt Nam gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ tháng 1/1994

Việt Nam gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ tháng 1/1994

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành - cho biết, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn) được ký kết năm 1987 tại Montreal, Canada, được đánh giá là một trong những hiệp ước quốc tế về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thành công nhất trong lịch sử. Tháng 12/1994, Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 49/114 lấy ngày 16/9 là Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn. Hàng năm, tất cả các nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm trọng thể này. Kể từ đó đến nay, Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ô-dôn, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ tháng 1/1994. 25 năm qua, thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã cùng các quốc gia loại trừ các chất Chlorofluorocarbon (CFC), và từng bước loại trừ các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất Hydro Chlorofluorocarbon (HCFC) từ năm 2010. Từ năm 2013, ngừng tiêu thụ ở mức cơ sở và bắt đầu loại trừ HCFC. Năm 2015, loại trừ chất Methyl Bromide sử dụng ngoài mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu; loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, bà Caitlin Wesen - Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam - đánh giá cao những thành tích Việt Nam đã đạt được. Đặc biệt, với việc Chính phủ phê chuẩn Bản sửa đổi bổ sung Kiagali, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 82 phê chuẩn nhằm kiểm soát và loại trừ các chất HCFC.

Tuy nhiên, bà Caitlin Wesen cũng nhấn mạnh, hiện thế giới vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí. Để giải quyết thách thức này, rất cần sự hợp tác hơn nữa giữa các chính phủ ở cấp độ toàn cầu, giữa các bộ ngành, địa phương, sự tham gia của các đối tác quốc tế và đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.

Để tạo ra các đồng lợi ích trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam, là chìa khóa thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như Chương trình nghị sự 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018 - 2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự án được triển khai thực hiện dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 80 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC; nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới được chính thức ký kết ngày 7/3/2019.

Lộ trình loại trừ các chất HCFC trong thời gian tới theo Nghị định thư Montreal của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam: đến năm 2020, giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC; năm 2025 giảm 67,5% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC; trong năm 2030 – 2040, giảm 97,5% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC; năm 2040, loại trừ 100% lượng tiêu thụ HCFC.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-chu-dong-no-luc-bao-ve-tang-o-don-125270.html