Việt Nam có 11 trường lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á, năm 2022

Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐHQG Hà Nội tăng bậc trong xếp hạng do QS bình chọn. ĐHQG TP. HCM bị tụt hạng so với bảng xếp hạng năm 2021.

Ngày 2/11, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS, Anh) công bố xếp hạng đại học châu Á năm 2022. Theo đó, Việt Nam có 11 trường đại học được lọt vào trong danh sách này.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 142 với tổng điểm đánh giá 33,4. So với xếp hạng năm 2021, trường tăng 21 bậc, đồng thời là cơ sở giáo dục đại học có thứ hạng cao nhất trong số 11 trường của Việt Nam.

Tiếp đến là ĐHQG Hà Nội, xếp hạng lần này được đánh giá ở vị trí 147 với 32,9 điểm. So với năm ngoái, trường tăng 13 bậc, tổng điểm đánh giá cũng tăng. Tuy nhiên, xếp hạng cao nhất ĐHQG Hà Nội từng nhận được là vị trí thứ 124 toàn châu Á, năm 2019.

ĐHQG TP. HCM đứng thứ 179 trong xếp hạng lần này. Năm ngoái, được đánh giá hạng 158, là cơ sở giáo dục đại học có vị trí cao nhất trong số 11 đại học Việt Nam lọt vào danh sách này.

Trường ĐH Duy Tân tăng hạng dù mới chỉ góp mặt trong xếp hạng đại học châu Á trong 3 năm gần đây, thứ hạng của trường tăng từ top 451-500, năm 2020 lên top 351-400, năm 2021. Đến xếp hạng năm 2022, trường ĐH Duy Tân xếp vị trí 210 với 24,8 điểm đánh giá.

Trong 7 trường đại học Việt Nam còn lại gồm ĐH Bách khoa Hà Nội (281-2900); ĐH Huế (401-450); ĐH Cần Thơ (501-550); ĐH Đà Nẵng (501-550); ĐH Sư phạm Hà Nội (551-600); ĐH Kinh tế TP. HCM (551-600); ĐH Công nghiệp TP. HCM (601-650).

Theo QS, ĐHQG Singapore xêp hạng 1 trong danh sách này (đây là năm thứ tư liên tiếp trường đạt được vị trí này). Trung Quốc là Quốc gia có nhiều đại diện lọt top nhất với 126 trường. Tiếp theo đó là Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ hai và ba về số trường được xếp hạng.

ĐH Malaya (Malaysia) là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt top 10. Kể từ khi góp mặt trong xếp hạng đại học châu Á vào năm 2013, thứ hạng của ĐH Malaya liên tục tăng và được QS đánh giá cao.

Xuất hiện từ năm 2009, xếp hạng đại học châu Á của QS sử dụng phương pháp đánh giá tương tự xếp hạng đại học thế giới. Tuy nhiên, một số yếu tố và trọng số được điều chỉnh để phù hợp với khu vực.

11 tiêu chí đánh giá được QS sử dụng cho xếp hạng đại học châu Á bao gồm: Danh tiếng học thuật (30%); danh tiếng với nhà tuyển dụng (20%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%); mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%); số lượng trích dẫn bài báo (10%); tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (5%); số lượng giảng viên có bằng tiến sĩ (5%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên trao đổi trong nước (2,5%); tỷ lệ sinh viên trao đổi nước ngoài (2,5%).

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/viet-nam-co-11-truong-lot-vao-bang-xep-hang-dai-hoc-chau-a-nam-2022-post1390185.tpo