Việt Nam có 116 dự án đầu tư nằm trong khu vực tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam

Việt Nam có 49 dự án đầu tư nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam ( TGPT CLV) thuộc Campuchia với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 1,638 tỷ USD, và có 67 dự án đầu tư vào khu vực TGPT của Lào với tổng vốn đăng ký là 1,97 tỷ USD.

Thông tin này vừa được ông Trần Nhật Thành, Trưởng tiểu ban Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Tiểu ban kinh tế lần thứ 11 khu vực TGPT CLV được tổ chức sáng nay tại tỉnh Kratíe, Campuchia.

Hiện nay, kinh tế Khu vực tam giác phát triển được các chuyên gia đánh giá có bước chuyển biến tích cực. Hợp tác đầu tư, thương mại được đẩy mạnh khi hàng loạt dự án đã và đang được triển khai trong lĩnh vực thủy điện, khai thác/chế biến khoáng sản,…

Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng bước đầu được hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, cấp điện,…

“Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, quá trình hợp tác giữa ba nước chưa thực sự tạo được bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực. Các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng còn chậm so với kế hoạch và quy hoạch đề ra. Nguồn lực dành cho đầu tư phát triển từ mỗi nước còn rất hạn hẹp,…”, ông Trần Nhật Thành, Trưởng tiểu ban Kinh tế Việt Nam phát biểu.

Hội nghị Tiểu ban Kinh tế lần này được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai việc thực hiện các cam kết của Tiểu ban trong thời gian qua. Qua đó, nhìn nhận những thành tự, tìm ra khó khăn/thách thức, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục cũng như phương hướng hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp cao su cho khu vực TGPT CLV, đại diện Đoàn, ông Trần Nhật Thành cho biết, sau Hội nghị cấp cao lần 10 tổ chức tại Hà Nội năm 2018, Bộ NN&PT NT đã tiếp thu ý kiến và gửi bản dự thảo cuối xin ý kiến từ phía Lào và Campuchia.

Tuy nhiên đến nay chưa nhận được phản hồi của hai nước. Đại diện này để nghị, phía Lào và Campuchia tích cực phối hợp hoàn thiện Nghiên cứu đồng thời xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai.

Đại diện nước chủ nhà điều hành Hội nghị, ông Rath Sa-Ra-Vut, Vụ trưởng Vụ thương mại Quốc tế (Bộ thương mại Vương quốc Campuchia) khẳng định sẽ rà soát và đề nghị thành lập bộ phận đầu mối chuyên trách phối hợp cùng Việt Nam và Lào thực hiện Nghiên cứu này.

“Chúng ta cần có cách thức trao đổi thông tin chặt chẽ và hiệu quả hơn. Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp cao su cần được xây dựng dựa trên định hướng những là kế hoạch thu hút đầu tư cho cả 3 nước, với các nhà máy sản xuất cao su để hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thế giới”, ông Rath Sa-Ra-Vut nói.

Về Kế hoạch phát triển du lịch cho khu vực TGPT CLV, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) đã chủ trì phối hợp với Campuchia và Lào xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch cho Khu vực. Dự kiến, Kế hoạch sẽ được xây dựng hoàn thiện trong năm 2019 để trình Lãnh đạo cấp cao thông qua vào năm 2020.

Đại diện Tổng Cục Du lịch Việt Nam đề nghị Campuchia và Lào cần thành lập một tổ công tác chuyên biệt và có đầu mối cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, cập nhật tình hình hình/kế hoạch phát triển du lịch từng tỉnh liên quan, nhằm phối hợp cùng Việt Nam trong việc hoàn thiện kế hoạch.

“Dự kiến chúng tôi sẽ tổ chức từ 2-3 cuộc họp vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 nên đề nghị đại diện phía Campuchia và Lào bố trí nhân lực tham dự, cũng như hỗ trợ đoàn Việt Nam hoàn thành bản kế hoạch”, TS Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Bộ VH-TT và DL phát biểu tại Hội nghị.

Thông tin về việc chuẩn bị Tổ chức Hội nghị Nhóm chuyên gia khu vực TGPT CLC và Ngân hàng thế giới (WB) về Kế hoạch Hành động kết nối ba nền kinh tế đến 2030, ông Trần Nhật Thành, Trưởng tiểu ban Kinh tế Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư đến Chủ tịch Ngân hàng thế giới đề nghị hỗ trợ Khu vực TGPT CLV thực hiện thành công các chương trình hợp tác.

Và ngày 19/07/2018, Chủ tịch WB cho biết sẽ cử chuyên gia làm việc trực tiếp với các chuyên gia ba nước để thảo luận, xây dựng cách thức, hoạt động và dự án hợp tác, mà bắt đầu từ triển khai Kế hoạch Hành động kết nối ba nền kinh tế CLV đến 2030.

Do vậy, phía Việt Nam sẽ phối hợp với WB tổ chức Hội nghị giữa nhóm chuyên gia các nước CLV để cụ thể hóa các hoạt động hợp tác. Phía WB đã đề nghị Họp trước 01/07/2019 tại Hà Nội. Và Việt Nam sẽ có công thư chính thức mời Campuchia và Lào tham dự Hội nghị.

Hội nghị sáng nay đã sự thống nhất về các nội dung nêu trên giữa 3 đại diện tiểu ban CLV. Và chuẩn bị nội dung báo cáo tại Hội nghị SOM khu vực TGPT CLV, Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 12 khu vực TGPT CLV sẽ được tổ chức vào 2 ngày tới, tại tỉnh Kratíe, Campuchia.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-co-116-du-an-dau-tu-nam-trong-khu-vuc-tam-giac-phat-trien-campuchia--lao--viet-nam-d96541.html