Việt Nam có 2 báo cáo tại Hội nghị khoa học quốc tế ở Nhật

Ngay sau lễ khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế Nhật Bản và ASEAN lần thứ nhất diễn ra tại Kyoto (Nhật Bản) vào sáng nay, ngày 5-11, Việt Nam đã có 2 báo cáo quan trọng được trình bày: 'Kết quả ban đầu của liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu' của GS. TS. Tạ Thành Văn –Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Gen-Protein - học trò xuất sắc của GS. Honjo, người vừa nhận Giải Nobel y học 2018 và 'Cơ chế tác dụng của chất chiết cây chè đắng đối với bệnh Alzheimer sử dụng mô hình ruồi giấm chuyển gen' của TS. Nguyễn Trọng Tuệ- Trung tâm Gen ĐH Y Hà Nội.

Hội nghị khoa học quốc tế Nhật Bản và ASEAN được tổ chức nhằm công bố những phát hiện mới nhất về nghiên cứu các chất hợp tự nhiên có hoạt tính sinh lý học sử dụng mô hình côn trùng. Các đại biểu tham dự là các nhà khoa học của các trường đại học nổi tiếng của Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Myanma, Campuchia. Các đại diện của Việt Nam gồm một số nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ.

GS. TS. Tạ Thành Văn trình bày kết quả nghiên cứu về liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tại Hội nghị quốc tế

Các báo cáo khoa học tại hội nghị là những phát hiện mới nhất về sử dụng mô hình ruồi giấm chuyển gen, mô phỏng các bệnh lý của người như tự kỷ, sa sút trí tuệ, Alzeimer và một số bệnh lý di truyền khác để sàng lọc và các hoạt chất có hoạt tính sinh học có trong tự nhiên để điều trị bệnh và nghiên cứu cơ chế tác động ở mức độ phân tử của các hoạt chất này.

Một chủ đề khác của hội nghị là miễn dịch học phân tử gồm những báo cáo về các tác nhân điều biến miễn dịch. Các nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra các phương pháp điều trị nhiều bệnh trong tương lai.

GS. TS. Tạ Thành Văn trao đổi với các nhà khoa học quốc tế

Với những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất và có đóng góp quan trọng, báo cáo của các đại diện Việt Nam về “Kết quả ban đầu của liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu” và “Cơ chế tác dụng của chất chiết cây chè đắng đối với bệnh Alzheimer sử dụng mô hình ruồi giấm chuyển gen” đã được các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị đánh giá rất cao.

Ghi nhận những đóng góp trong nghiên cứu trên ruồi giấm của các nhà khoa học Việt Nam trong Mạng lưới quốc tế về nghiên cứu ứng dụng ruồi giấm chuyển gen trong Y Dược do Quỹ Phát triển khoa học của Chính phủ Nhật tài trợ để thành lập, Việt Nam đã vinh dự là một thành viên.

2 nhà khoa học VN tham dự Hội nghị khoa học quốc tế tại Nhật

Các nhà khoa học của Trường Đại học Y Hà Nội hy vọng rằng thông qua Mạng lưới này, Trường Đại học Y Hà Nội, Việt Nam có thể thành lập được Trung tâm ứng dụng ruồi giấm chuyển gen để ứng dụng phát hiện các hoạt chất sinh học quý, có tác dụng chữa bệnh bằng nguồn dược liệu từ kho tàng y học cổ truyền Việt Nam.

Hội nghị khoa học quốc tế Nhật Bản và ASEAN lần thứ nhất sẽ bế mạc vào ngày 6-11.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/viet-nam-co-2-bao-cao-tai-hoi-nghi-khoa-hoc-quoc-te-o-nhat-518491/