Việt Nam có 7 trường lọt top đại học hàng đầu thế giới

Theo tổ chức xếp hạng đại học thế giới về học thuật, Việt Nam có 7 trường lọt top những trường đại học hàng đầu thế giới.

Tổ chức xếp hạng đại học thế giới về học thuật (University Ranking by Academic Performance - URAP) vừa công bố bảng xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới.

Theo đó, năm 2018 - 2019 có 2.500 trường đại học hàng đầu thế giới được URAP bình chọn. Thứ tự các trường được xếp hạng lần lượt là: Harvard, Toronto, Oxford, Stanford, College London, John Hopkins, Cambridge, MIT, Michigan, Washington Seattle.

Top 10 Đại học hàng đầu thế giới theo URAP xếp hạng

Top 10 Đại học hàng đầu thế giới theo URAP xếp hạng

Việt Nam có 7 trường đại học được URAP xếp hạng theo thứ tự lần lượt là: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 1.211), Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM (xếp hạng 1.422), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (xếp hạng 1.549), Đại học Quốc gia TP.HCM (xếp hạng 1.550), Đại học Y Hà Nội (xếp hạng 2.061), Đại học Cần Thơ( xếp hạng 2.285) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (xếp hạng 2.467).

Top 7 đại học Việt Nam theo URAP.

URAP là tổ chức xếp hạng do Đại học Kỹ thuật Trung - Đông (Thổ Nhĩ Kỳ) thành lập năm 2010. Bảng xếp hạng có độ tin cậy rất cao, bởi URAP sử dụng bộ tiêu chí đánh giá khoa học và khách quan, bao gồm số lượng công bố khoa học và chất lượng các công trình khoa học.

Trước đó, Hệ thống xếp hạng giáo dục đại học Quốc tế UniRank công bố Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất trong 67 trường đại học tốt nhất Việt Nam năm 2018. 15 trường lần lượt tiếp theo là: Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đại học Hutech, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

URAP phân tích chủ yếu dựa trên 6 tiêu chí về thành tựu học thuật, đó là: (1) Số lượng công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao trong năm gần nhất: chiếm 21% tổng số điểm; (2) Số lượng trích dẫn của các công trình trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao trong 5 năm gần nhất: chiếm 21% tổng số điểm;

(3) Tổng số lượng công trình nghiên cứu được công bố quốc tế trên ISI trong 5 năm gần nhất: chiếm 10% tổng số điểm; (4) Tỷ trọng công bố trong 23 chuyên ngành theo Web of Science so với mức trung bình của thế giới: chiếm 18% tổng số điểm; (5) Tỷ trọng công bố trong 23 chuyên ngành theo Web of Science và trích dẫn so với mức trung bình của thế giới: chiếm 15% tổng số điểm; (6) Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học: chiếm 15% tổng số điểm.

PHAN THẾ HOÀI

Nguồn VTC: https://vtc.vn/viet-nam-co-7-truong-lot-top-dai-hoc-hang-dau-the-gioi-d440252.html