Việt Nam có hai điểm sáng sẽ là động lực duy trì tăng trưởng kinh tế

Mặc dù nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội chậm lại song nửa cuối năm và thậm chí sang cả năm 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, dù có thấp hơn so với năm 2018 và bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Cơ sở để ADB dự báo như vậy chính là hai điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa tăng mạnh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã có sự dịch chuyển tốt thay vì vai trò chủ đạo xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI hiện nay.

Tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ

Tại cuộc họp báo Cập nhật báo cáo triển vọng châu Á của ADB diễn ra sáng nay 25/9, nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick nói: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp”.

Minh chứng cho nhận định này, ông Eric Sidgwick dự báo, lạm phát sẽ giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% trong năm 2020. Thặng dư tài khoản vãng lai được thu hẹp trong cả 2 năm ở mức cao hơn so với dự báo hồi tháng 4. Mặc dù hoạt động xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, song ADB cho rằng nền kinh tế nhìn chung vẫn duy trì tăng trưởng lành mạnh nhờ nhu cầu nội địa cao và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì ổn định.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm nhẹ từ 7,0% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 6,8% trong cùng kỳ năm nay. Do nhu cầu từ bên ngoài giảm, tốc độ tăng trưởng lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng giảm hơn một nửa, từ 15,7% trong sáu tháng đầu năm 2018 xuống 7,1% cùng kỳ năm nay. Tuy vậy, tác động bất lợi của việc giảm tốc độ tăng xuất khẩu lên tăng trưởng GDP đã bị hạn chế nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục giữ vững.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho biết, tiêu dùng cá nhân tăng trưởng tốt ở mức 7,2%, tương đương tốc độ năm trước, chủ yếu do thu nhập gia tăng, việc làm ổn định và lạm phát ở mức thấp. Đồng thời, đầu tư trong nước tăng trưởng 7,1%, tương đương mức tăng trưởng của năm trước nhờ môi trường kinh doanh cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được duy trì và dòng vốn đầu tư nước ngoài cao.

Cũng theo ADB, trong 6 tháng đầu năm 2019 có 67.000 doanh nghiệp mới thành lập, đây là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua. Giải ngân vốn FDI ước tính tăng 8,1% trong nửa đầu năm 2019, đạt 9,1 tỉ USD, tương đương 8,4% GDP. Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng phản ánh niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện, tăng gần gấp đôi trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018, đạt 8,1 tỉ USD.

Nông nghiệp giảm mạnh nhất vì dịch bệnh

Tốc độ tăng trưởng của tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều giảm nhẹ, song ở các mức độ khác nhau. Hạn hán kéo dài và dịch tả lợn châu Phi bùng phát làm cho tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm từ 3,8% trong nửa đầu năm 2018 xuống còn 2,4% trong cùng kỳ năm nay. Trong ngành nông nghiệp, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh từ 3,1% xuống còn 1,3%, tăng trưởng sản lượng lâm nghiệp cũng giảm từ 5,5% xuống 4,2%, trong khi thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao 6,4%.

Nông nghiệp thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi

Nông nghiệp thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi

Về công nghiệp và xây dựng trong 6 tháng, ADB nhận định đầu năm có mức tăng trưởng tốt, chỉ giảm nhẹ từ 9,1% trong nửa đầu năm 2018 xuống 8,9%. Trong ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo giảm nhẹ xuống mức 11,2%, nhờ ngành khai khoáng đã đảo chiều từ giảm 1,3% trong nửa đầu năm 2018 lên tăng 1,8% trong cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, xây dựng duy trì mức tăng trưởng 7,9%. Tương tự, khu vực dịch vụ cũng duy trì mức tăng trưởng 6,7% nhờ nhu cầu trong nước cao bù đắp lại cho sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế, từ mức tăng 27,2% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống chỉ còn 7,5% (xem biểu đồ 3.4.40). Dịch vụ tài chính ngân hàng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,0% trong nửa đầu năm 2019.

Lạm phát bình quân giảm từ 3,3% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 2,6% trong nửa đầu năm nay, đây là mức lạm phát bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Giá xăng dầu giảm, tăng trưởng tín dụng và cung tiền chậm lại, và tỷ giá tương đối ổn định đã bù lại phần nào áp lực lạm phát từ việc tăng giá điện và giá lương thực.

Về cán cân đối ngoại, báo cáo của ADB cập nhật tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giảm từ 17,1% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 7,2% trong cùng kỳ năm nay. Tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa trong cùng kỳ cũng giảm tốc, nhưng chỉ giảm từ 10,7% xuống khoảng 8,9%, làm cho thặng dư cán cân vãng lai thu hẹp một nửa, từ mức tương đương 3,5% GDP một năm trước đây xuống khoảng 1,7%. Trong khi đó, cán cân vốn đạt thặng dư ước tính 7,9% GDP, nhờ dòng vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp ròng đều tăng.

Thặng dư cán cân thanh toán tổng thể tương đương 8,5% GDP, cao hơn một chút so với mức 8,4% của năm trước. Thu ngân sách của chính phủ tăng từ mức tương đương 28,7% GDP trong 6 tháng đầu năm trước lên 30,0% trong cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ chi ngân sách trên GDP giảm từ 28,6% xuống 26,8%. Nhờ đó, ngân sách đạt mức thặng dư tương đương 3,2% GDP trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh từ mức thặng dư khiêm tốn 0,1% trong cùng kỳ năm 2018.

Chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục xu hướng thận trọng trong nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng cung tiền (M2) giảm từ 16,6% một năm trước đây xuống khoảng 10,6%, cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm từ 15,7% xuống khoảng 14,2%.

6 tháng đầu năm 2019 cũng cho thấy những tiến triển trong cải cách hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) được chính thức công bố trên bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng giảm từ 2,1% hồi tháng 6/2018 xuống 1,9% vào tháng 6/2019. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu tổng thể (bao gồm cả nợ xấu do các ngân hàng nắm giữ, nợ xấu hiện nay nằm tại Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) và nợ của các ngân hàng được coi là có nguy cơ cao trở thành nợ xấu) giảm từ 6,9% vào giữa năm 2018 xuống 5,9%.

5 lĩnh vực cần tập trung

Để duy trì mức độ tăng trưởng theo dự báo, ông Eric Sidgwick cũng khuyến nghị 5 lĩnh vực Chính phủ cần tập trung đó là: cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, cả về cơ sở hạ tầng cứng và cơ sở hạ tầng mềm; nâng cao kỹ thuật nguồn lực lao động và giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn lực phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thị trường, phải biết cách giải quyết vấn đề; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển bằng cách phải có những chính sách, thể chế tốt hơn; phải thúc đẩy tư nhân tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu và Việt Nam phải có những biện pháp đối mặt với biến đổi khí hậu.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-co-hai-diem-sang-se-la-dong-luc-duy-tri-tang-truong-kinh-te-550477.html