'Việt Nam có nhiều người tham nhũng chuyển tiền ra nước ngoài'

'Ở Việt Nam, nhiều người tham nhũng rồi chuyển tiền ra nước ngoài là điều ai cũng hiểu. Nhưng vụ hồ sơ Paradise cần xác thực nguồn tin, nếu không sẽ dẫn đến 'ném đá ao bèo'', ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Sau hồ sơ Panama được công bố vào khoảng tháng 5/2016, gần đây, hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiếp tục đưa ra hồ sơ Paradise tiết lộ các hoạt động trốn thuế, rửa tiền ở nước ngoài, trong đó có hàng trăm cá nhân và địa chỉ liên quan đến Việt Nam.

Dẫn theo nguồn từ ICIJ cho biết, tính tới ngày 21/11, Việt Nam có 92 thực thể nước ngoài (Offshore Entities), 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc đến trong các hồ sơ. Đây chỉ là danh sách một chiều do phía ICIJ đưa ra.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Bảo, ĐBQH khóa XIII, nguyên Ủy viên Thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: “Việc đầu tiên là phải xác định độ xác thực của thông tin”. Ông Bảo nêu thực tế, đây là những thông tin mà nước ngoài đã sử dụng rất nhiều. Còn ở Việt Nam, những thông tin này cũng rất quan trọng, nhưng vấn đề là độ xác thực thông tin đến đâu.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo.

Đề cập đến giới đại gia Việt Nam hiện nay, ông Bảo phân tích, những người giàu chính đáng, chứng minh được nguồn gốc tài chính thì không có gì phải giật mình. Tuy nhiên, dư luận nghi ngại đến sự giàu do tham nhũng mà có, nhất là với những người có chức, có quyền, có địa vị, những người làm công việc liên quan đến ngân hàng, có nhiều cơ hội rửa tiền để tuồn tài sản ra nước ngoài.

“Nếu thông tin xác thực được sẽ là một kênh rất tốt cho quản lý Nhà nước cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế đang được đẩy mạnh như hiện nay”, ông Bảo khẳng định.

Ông Bảo cũng đặt vấn đề ngược lại, những thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng rất xấu đến dư luận trong nước. “Nếu không xác thực được nguồn thông tin, mọi việc dễ dẫn đến “ném đá ao bèo” và sẽ chìm vào quên lãng như vụ hồ sơ Parama trước đây, mặc dù tôi biết có nhiều người liên đới. Thêm nữa, cần xem xét ở góc độ, các nhà chức trách ở Việt Nam có coi đây là một nguồn thông tin để xác minh hay không? Có thể tin tưởng hay chỉ là một thông tin mang tính vu cáo chẳng hạn”, ông Bảo nêu.

Cũng theo lời ông Bảo: “Ở Việt Nam, nhiều người tham nhũng rồi chuyển tiền ra nước ngoài là điều chắc chắn, ai cũng hiểu. Nhưng nhiều vụ việc rõ ràng, tài sản bất minh ở mức độ “khủng” mà còn chưa xử lý xong, huống hồ ở đây chỉ là những cái tên, địa chỉ được nhắc đến. Để kết luận một việc, một con người là rất khó, cần quá trình tìm hiểu, điều tra cẩn trọng, không đơn thuần là những nguồn tin phong thanh. Nếu không xác thực được thông tin thì đọc, biết cũng chỉ để cho vui mà thôi”.

Được biết, hồ sơ Paradise là cơ sở dữ liệu chứa hàng loạt thông tin liên quan đến chiêu trò trốn thuế, che giấu tài sản của các tổ chức, cá nhân trên thế giới. Dữ liệu liên quan đến hồ sơ Paradise, cùng các hồ sơ tương tự như hồ sơ Panama được công khai và có thể tra cứu trực tuyến tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org.

Trao đổi với báo giới, đại diện tổng cục Thuế cho biết cơ quan này sẽ đối chiếu các dữ liệu của ngành thuế xem các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam mà hồ sơ này nêu tên có thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế hay không.

Tuy nhiên, việc này sẽ cần đến sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ho-so-paradise-viet-nam-co-nhieu-nguoi-tham-nhung-chuyen-tien-ra-a348352.html