Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ứng dụng AI và IoT

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể nhận ra các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực chuyển mình để thích ứng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT). Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển những ứng dụng này.

Đó là nhận định của ông Hareesha Narayana Shirankallu – Trưởng bộ phận dịch vụ kỹ thuật cho hệ thống an toàn, tập đoàn Bosch trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công Thương về tiềm năng và triển vọng phát triển ứng dụng AI và IoT tại Việt Nam.

Ông Hareesha Narayana Shirankallu (ngoài cùng, bên phải) cho rằng Việt Nam có nhiềm tiềm năng phát triển ứng dụng AI và IoT

Ông Hareesha Narayana Shirankallu (ngoài cùng, bên phải) cho rằng Việt Nam có nhiềm tiềm năng phát triển ứng dụng AI và IoT

Ông có đánh giá gì về thực trạng ứng dụng AI và IoT tại Việt Nam hiện nay?

Ông Hareesha Narayana Shirankallu: Ứng dụng AI và IoT đang được xem là xu hướng tất yếu của công nghệ trong tương lai. Đây là 2 trong 3 trụ cột của CMCN 4.0 bên cạnh Big Data (cơ sở dữ liệu).

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang nhanh chóng tạo lên bức tranh thế giới hoàn toàn mới trong đó, công nghệ đóng vai trò chủ đạo. Việt Nam đã có những bước đi ban đầu trong AI và IoT. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn và gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất thông qua việc nâng cao tỷ lệ tự động hóa, một số đơn vị, tập đoàn lớn của Việt Nam đã có các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tập đoàn Bosch cùng là một thành viên FDI tại Việt Nam, chúng tôi dành tới 8% doanh số toàn cầu cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo, chủ yếu là AI và IoT. Đến năm 2020, tất cả các sản phẩm của Bosch, trong đó có các dự án tại Việt Nam, sẽ được kết nối với internet.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã thực hiện kiểm soát truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thông qua việc quét mã QR code. Một số trong đó đang tiếp cận với việc quét QR code có tích hợp ứng dụng của blockchain (công nghệ khối)…

Ngoài ra, nhiều lĩnh vực khác cũng dần có sự xuất hiện nhiều hơn, rõ nét hơn của AI và IoT, ví dụ như TP. Đà Nẵng đã tiếp cận với mô hình đô thị thông minh thông qua việc áp dụng các công nghệ.

Ông có nhận định gì về tiềm năng phát triển của các ứng dụng AI và IoT tại Việt Nam?

Ông Hareesha Narayana Shirankallu: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển trong AI và IoT, với nhiều ngành công nghiệp hoạt động, các doanh nghiệp này đang chuyển mình, đang dần chú trọng yếu tố 4.0 trong hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, Việt Nam đã có nhiều bước phát triển về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. AI và IoT sẽ hỗ trợ đắc lực để đất nước các bạn khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp thông minh để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, hơn 70% trong số hơn 90 triệu người dân Việt Nam có sử dụng smartphone có kết nối internet là nguồn tài nguyên khổng lồ để IoT phát triển. Ứng dụng AI và IoT sẽ giúp Việt Nam giải quyết được cốt lõi của nhiều vấn đề. Ví dụ như đường phố Việt Nam có rất nhiều xe 2 bánh, AI và IoT có thể làm nhiệm vụ kết nối những chiếc xe này, từ đó, có thể giúp phân luồng, làm thông thoáng hệ thống giao thông ….

Khởi nghiệp với AI và IoT được coi là xu hướng của nông nghiệp thông minh trong năm 2019 (Ảnh minh họa)

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và vận hành các sản phẩm có ứng dụng AI, IoT?

Ông Hareesha Narayana Shirankallu: Đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là một chặng đường phát triển thường xuyên và liên tục. Cần có định hướng để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này (IT), cũng như đào tạo chuyên sâu cho các lao động để có đủ trình độ kỹ thuật vận hành có hiệu quả các sản phẩm công nghệ có ứng dụng AI và IoT. Việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực có thể phát triển trên cơ sở kết hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để đưa ra các ứng dụng thực tế trên nền tảng khoa học, từ đó, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho nguồn nhận lực.

Tập đoàn Bosch luôn mong muốn được phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong các chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ mới tại Việt Nam. Ví dụ như hiện tại, chúng tôi đang tài trợ cho cuộc thi AIoT và Smart Cities 2019 với tổng giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng nhằm tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến đối tượng các các bạn sinh viên, nhân lực trong và ngoài ngành IT (Công nghệ thông tin). Đây là chương trình vì sự phát triển công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-de-phat-trien-ung-dung-ai-va-iot-120090.html