Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết và phù hợp với UNCLOS để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp

Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đi sâu vào vùng biển Nam Biển Đông, gần với lô khai thác số 06-01 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam cho thấy Trung Quốc đã phớt lờ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển - UNCLOS và vi phạm các quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Với tư cách là quốc gia ven biển, Việt Nam được UNCLOS ghi nhận có thẩm quyền riêng biệt, mang tính chất đặc quyền đối với các nguồn tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Yến - Trưởng bộ môn Luật Công pháp quốc tế (Đại học Luật Hà Nội)

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Yến - Trưởng bộ môn Luật Công pháp quốc tế (Đại học Luật Hà Nội)

Trung Quốc đã đồng thời vi phạm cả UNCLOS và DOC

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Yến, Trưởng bộ môn Luật Công pháp quốc tế (Đại học Luật Hà Nội) cho biết, theo khoản 1, Điều 73 của UNCLOS, trong việc thực hiện các quyền nêu trên, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước. Vì vậy, hành vi của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS, xâm phạm trực tiếp quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Yến cho rằng, với hoạt động của tàu Hải Dương 8 - phía Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc và các quy định của UNCLOS. Với hành động trên, Trung Quốc đồng thời vi phạm thỏa thuận với các quốc gia ASEAN ghi nhận trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại Biển Đông, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Không chỉ vi phạm các quy định trong điều ước quốc tế đa phương và cam kết khu vực, Trung Quốc đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là thỏa thuận về Các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển năm 2011; Tuyên bố chung của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc tháng 6 năm 2013; Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ 2 nước vào tháng 10-2013.

Trong những cam kết này, các bên đã thỏa thuận đảm bảo Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác; giải quyết bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982; không thực hiện những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Như vậy, với hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện trái với tinh thần cam kết giữa hai quốc gia.

Kiên trì các biện pháp hòa bình

Trước những hành vi vi phạm của Trung Quốc tại vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết và phù hợp với quy định của UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, buộc các chủ thể vi phạm phải tuân thủ và tôn trọng.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật trước các hành vi vi phạm của Trung Quốc. Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ và khẳng định chủ trương nhất quán là kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với UNCLOS, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Về giải pháp trước mắt, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Yến, Việt Nam cần tiếp tục duy trì hòa bình ổn định, kiên trì đấu tranh ngoại giao, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ đúng các quy định của luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS và các cam kết quốc tế liên quan đã được chính Trung Quốc ký kết với các bên. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động cung cấp thông tin, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, sự quan tâm và tinh thần yêu nước của nhân dân… nhằm tìm kiếm tiếng nói ủng hộ một cách mạnh mẽ, rõ ràng hơn nữa trước những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế của nước láng giềng.

Đồng thời, chúng ta cần thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán đã được UNCLOS ghi nhận đúng như trong tuyên bố mà Việt Nam đã đưa ra trong những ngày qua. Trên thực địa, các lực lượng thực thi luật pháp trên biển cần duy trì sự hiện diện, đấu tranh hòa bình nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Yến, về lâu dài, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị hồ sơ pháp lý, thu thập các bằng chứng để chuẩn bị cho những bước đi pháp lý cần thiết trong tương lai.

“Năm 2020, Việt Nam sẽ cùng lúc giữ hai cương vị quan trọng trên trường quốc tế là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Khi đó, Việt Nam có thể chủ động đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận và tích cực tìm kiếm tiếng nói chung của các quốc gia ASEAN trong việc sẵn sàng cho sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) - một văn kiện có giá trị pháp lý ràng buộc thay thế cho Tuyên bố DOC năm 2002 như hiện nay” - Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Yến nêu quan điểm.

Huệ Anh (Ghi)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/viet-nam-co-quyen-ap-dung-cac-bien-phap-can-thiet-va-phu-hop-voi-unclos-de-bao-ve-quyen-loi-ich-hop-phap/819328.antd