Việt Nam có thể bổ sung hệ thống phòng vệ chủ động nào cho xe tăng T-90?

Cùng với giáp phản ứng nổ và thiết bị gây nhiễu quang điện, hệ thống phòng vệ chủ động được xem là tấm lá chắn quan trọng giúp nâng cao sức chiến đấu cho xe tăng.

T-90 là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến hàng đầu của Nga cũng như trên thế giới vào thời điểm hiện tại. Ngoài hỏa lực mạnh mẽ từ khẩu pháo 125 mm tích hợp chức năng phóng tên lửa qua nòng, độ an toàn của T-90 cũng được đánh giá cao nhờ các lớp giáp composite, giáp phản ứng nổ vững chắc.

Bên cạnh đó, T-90 còn được bổ sung hệ thống đối kháng quang điện tử TShU-1-7 Shtora-1 có tác dụng làm nhiễu quá trình điều khiển đường ngắm bán tự động của thiết bị định hướng lắp trên tên lửa chống tăng, gây nhiễu máy dò laser cùng thiết bị chỉ thị mục tiêu của kẻ địch.

Xe tăng T-90 với đôi mắt đỏ - Đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống Shtora-1. Ảnh: Military Today.

Xe tăng T-90 với đôi mắt đỏ - Đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống Shtora-1. Ảnh: Military Today.

Tuy nhiên thực tế tại Syria cho thấy hiệu quả của Shtora-1 không được như quảng cáo, khí tài này dễ bị mất tác dụng khi triển khai tại môi trường nhiệt độ cao hay nhiều khói mù. Ngoài ra phạm vi làm việc của Shtora-1 cũng khá hạn chế, đòi hỏi xe tăng phải quay tháp pháo đúng hướng đạn bay tới nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

Chính vì vậy, để T-90 thực sự trở thành pháo đài bất khả xâm phạm trên chiến trường thì nó rất cần được bổ sung một lớp lá chắn nữa, đó làhệ thống phòng vệ chủ động- APS (Active Protection System). Điều này càng có ý nghĩa khi độ dày của vỏ giáp đang trở nên yếu thế trước sự phát triển không ngừng của các loại đạn xuyên.

Các ứng viên hệ thống phòng vệ chủ động hàng đầu có thể trang bị cho T-90 gồm những chủng loại sau đây.

Hệ thống APS Arena

Hệ thống phòng vệ chủ động Arena lắp trên tháp pháo xe tăng T-72. Ảnh: Defence Blog.

Nếu lựa chọn sự đồng bộ, khách hàng có thể đặt mua hệ thống APS Arena của Nga. Tổ hợp này gồmtrạm cảm biến bố trí gần cuối tháp pháo, bên trong có một radar xung Doppler đa chức năng với tầm bao quát 360 độ quanh xe.

Các cảm biến sẽ quét xung quanh để phát hiện mối đe dọa từ vũ khí chống tăng. Khi một tên lửa/rocket phóng về phía xe tăng, thông số mục tiêu sẽ được cảm biến thu nhận rồi truyền về cho máy tính điều khiển.

Dựa vào thông số tọa độ, vận tốc của đạn, máy tính sẽ kích hoạt vũ khí đánh chặn (gồm 26 viên đạn lắp xung quanh, cung cấp góc phòng thủ 220 - 270ovề phía trước và bên hông xe tăng) ở vị trí phù hợp. Đạn đối kháng sẽ kích nổ cách xe tăng khoảng 1,5 m, phóng ra hàng nghìn mảnh nhỏ để tiêu diệt tên lửa hay đầu đạn của vũ khí chống tăng.

Thời gian phản ứng của Arena chỉ 0,07 giây, đối phó được mục tiêu có tốc độ lên đến 700 m/s, nhận dạng mục tiêu giả cũng như đạn xuyên giáp cỡ nòng nhỏ không đủ sức gây hại tới xe tăng.

Phạm vi bảo vệ của Arena là 50 m xung quanh, nhưng nó cũng yêu cầu bộ binh phải tránh xa xe tăng tối thiểu 50 m để tránh bị sát thương bởi mảnh đạn, đây được xem là một điểm yếu của Arena.

Hệ thống APS Iron Fist

Xe thiết giáp chở quân Namer với 2 khối đánh chặn của hệ thống APS Iron Fist ở bên hông. Ảnh: South Front.

Trong trường hợp khách hàng muốn có một hệ thống tân tiến hơn, đánh chặn được cả đạn xuyên động năng dưới cỡ (APFSDS-T) vận tốc lên tới trên 1.500 m/s thì họ có thể hướng sự chú ý sang Iron Fist do Israel sản xuất.

Hệ thống APS nàysử dụng radar cực nhạy và cảm biến hồng ngoại để phát hiện mối đe dọa. Nhưng khác với "người tiền nhiệm" Trophy, khối đánh chặn của Iron Fist cơ bản là một tên lửa với vỏ làm từ vật liệu dễ cháy nên không phân mảnh khi nổ, áp lực khí thuốc sẽ làm chệch hướng đầu đạn thay vì dùng hàng ngàn viên bi nhỏ để phá hủy mục tiêu.

Cơ chế đánh chặn củaIron Fist ưu việt ở chỗ bảo đảm an toàn cho bộ binh hộ tống.Cảm biến của Iron Fist còn phát hiện được lính bắn tỉa thông qua việc nghe âm thanh phát ra sau khi bắn. Một ưu điểm nữa là thao tác lắp đặt không ảnh hưởng đến kết cấu hay hệ thống điện tử bên trong xe, do vậy tích hợp được lên nhiều nền tảng khác nhau.

Nhược điểm chung của các hệ thống APS hiện chỉ là giá thành cao (ước tính khoảng 1 triệu USD) cho nên khó trang bị đại trà. Tuy vậy nó vẫn nên dành để đầu tư trọng điểm cho phiên bản xe tăng chỉ huy T-90SK - bộ não của cả biên đội.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/viet-nam-co-the-bo-sung-he-thong-phong-ve-chu-dong-nao-cho-xe-tang-t-90/20190922041613312