Việt Nam có thể bứt phá trong Cách mạng Công nghiệp 4.0

Với những lợi thế riêng, Việt Nam có thể bứt phá nhanh chóng trong cuộc CMCN 4.0, nếu vượt qua một cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City, Tập đoàn Viettel đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế số ở Việt Nam, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Theo ông Hữu, doanh thu từ thương mại điện tử tại Việt Nam đã từng tăng tới 50% trong 1 năm (từ 2015 – 2016). Dự báo đến 2020, doanh thu sẽ chạm ngưỡng 5 tỷ USD, mức tăng trưởng 35%/năm, nhanh nhất thế giới, thậm chí cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Nêu những cơ hội phát triển kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Quốc Hữu cho rằng, ứng dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động nhờ tự động hóa sản xuất, phân tích Big Data và ứng dụng Business Intelligence, kết nối chuỗi cung ứng, khai thác nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa.

Ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City.

Công nghệ giúp phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới mang tính đột phá, tạo ra những cách hoàn toàn mới để phục vụ nhu cầu người dùng. Nó ảnh hưởng và tạo ra những thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vận hành cung-cầu của thế giới; mở rộng thị trường không giới hạn thông qua không gian mạng như bán hàng trực tuyến, bán hàng xuyên quốc gia; bứt phá lấy tri thức làm đầu khi khởi nghiệp sáng tạo.

“Từ đó, lợi thế của những nước đi sau như Việt Nam so với các nước phát triển, không bị hạn chế bởi quy mô cồng kềnh, quán tính lớn, nên có thể bứt phá nhanh chóng.”ông Hữu phân tích.

Tuy nhiên, để có thể bứt phá, doanh nghiệp sẽ phải vượt qua nhiều thách thức trong cuộc CMCN 4.0. Ông Lê Quốc Hữu chỉ ra rằng, CMCN 4.0 sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp sáng tạo áp dụng nền tảng công nghệ số có thể đánh bại những doanh nghiệp danh tiếng truyền thống. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh được thị trường, cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam. Hàng Việt phải đối đầu với hàng ngoại nhập theo đường thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là yếu tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin.

Trên thực tế, ông Hữu nhận định rằng, khung pháp lý của Việt Nam về các luồng dữ liệu xuyên biên giới “chưa mở” so với các quốc gia trong khu vực. Về an ninh bảo mật, chỉ số về an ninh mạng quốc gia, Việt Nam đứng ở vị trí 101/193 nước. Vì thế, Việt Nam cần có những biện pháp để có thể bảo vệ được sự an toàn và riêng tư, cũng như tính bảo mật trong kinh doanh và đời sống xã hội. Việt Nam cần có Luật văn bản điện tử, Luật giao dịch điện tử và Luật chữ ký số để hỗ trợ giao dịch điện tử.

Ngoài ra, Việt Nam còn gặp thách thức về khả năng thích ứng với nền kinh tế số, vì quy mô đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, năng lực đổi mới sáng tạo ở mức khiêm tốn. Hơn nữa, thách thức về triển khai thương mại điện tử, chi phí dịch vụ kho vận kém so với nhiều nước trong khu vực; cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài lớn như thói quen dùng tiền mặt. Có tới 90% thanh toán ở Việt Nam là trả tiền mặt và nhận hàng, cho thấy rào cản để vận dụng trong kinh doanh kinh tế số hóa không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là niềm tin.

Để phát triển kinh tế số, vị Kiến trúc sư trưởng của Viettel cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những tác động của CMCN 4.0 và về kinh tế số. Doanh nghiệp cần cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và cách thức kinh doanh là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/viet-nam-co-the-but-pha-trong-cach-mang-cong-nghiep-40-77730.html