Việt Nam có thể rơi vào trạng thái 'rủi ro lưỡng cực' trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Để hạn chế thiệt hại do cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt diễn ra, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ đặc biệt là Trung Quốc, có thể nước này sẽ mạnh tay phá giá đồng nội tệ để tạo cạnh tranh thương mại.

Ảnh minh họa.

Dự báo khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại báo cáo mới đây cho biết, bối cảnh thế giới và trong nước có những điểm thuận lợi như tăng trưởng kinh tế toàn cầu mặc dù có xu hướng giảm nhẹ nhưng tiếp tục khả quan trong năm 2019.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và việc tham gia một loạt các FTA thế hệ mới đang triển khai đồng thời nhiều đàm phán hiệp định là những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Vị thế Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực trong năm 2018 của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục củng cố lòng tin làm gia tăng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam trong năm 2018 và thời gian tới.

Báo cáo cũng chỉ ra các điểm khó khăn, trong đó đầu tiên kể đến là cuộc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR…) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc, có thể nước này sẽ mạnh tay phá giá đồng nội tệ để tạo cạnh tranh thương mại trong bối cảnh đó, Việt Nam rơi vào trạng thái “rủi ro lưỡng cực”.

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại bản báo cáo, rủi ro lưỡng cực được hiểu là có thể bị cuốn vào vòng xoáy “phá giá nội tệ để cạnh tranh” và theo đó, diễn biến tỷ giá VND/USD sẽ trở nên khó lường hơn. Nếu cố gắng hạn chế tỷ giá biến động mạnh, nghĩa là cố gắng neo giữ đồng nội tệ ở mức độ nhất định so với đồng USD, thì khi USD tăng giá mạnh, VND cũng sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo này, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của đồng nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hàng hóa nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Cụ thể, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thêm hơn 7.000 biện pháp bảo hộ thương mại trong đó, Hoa Kỳ và EU đưa ra nhiều biện pháp nhất với hơn 1.000 biện pháp cho mỗi nền kinh tế, tiếp đó là Ấn Độ, Argentina, Nga và Nhật Bản. Nếu so với các nước còn lại trong nhóm G20, Hoa Kỳ là nước có các biện pháp bảo hộ nhiều nhất.

Đáng chú ý, ngay trong khu vực ASEAN xu hướng sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đặc biệt biện pháp phi thuế quan cũng gia tăng. Dẫn chứng cho thấy, năm 2000 từ 1.634 biện pháp đã tăng lên đến gần 6.000 biện pháp vào năm 2017.

Từ những thuận lợi và khó khăn vừa nêu, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển xã hội 5 năm.

Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường và động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược trong đó đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành những công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, hiện đại tạo động lực tăng trưởng, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ…

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/viet-nam-co-the-roi-vao-trang-thai-rui-ro-luong-cuc-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-3475057.html