Việt Nam có thời Bắc thuộc nhưng không bị 'Hán hóa'

'Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam' được đánh giá là đã thể hiện một quan điểm sử học mới mẻ, trượt khỏi lối mòn của tư duy sử học 'chính trị hóa' nhiều năm qua.

Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam của GS.TS Kiều Thu Hoạch là một trong những công trình khoa học khá đồ sộ về lịch sử văn hóa Việt Nam ở thiên niên kỷ đầu Công nguyên (tức thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc).

Công trình được đánh giá là đã thể hiện một phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành, với nhiều tư liệu, cứ liệu quý hiếm đáng tin cậy về mặt sử liệu, góp phần quan trọng cho việc khám phá, tìm hiểu về nhiều mặt của thời kỳ Bắc thuộc.

Trong lời của nhà xuất bản, Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam được nhận xét làđã "thể hiện một quan điểm sử học mới mẻ trượt ra khỏi lối mòn của tư duy sử học chính trị hóa mấy mươi năm qua".

Bìa cuốn sách Góp phần nghiên cứu Lịch sử văn hóa Việt Nam.

Bìa cuốn sách Góp phần nghiên cứu Lịch sử văn hóa Việt Nam.

Chẳng hạn, ngay ở phần bối cảnh lịch sử, tác giả công trình đã thẳng thắn trên hai vấn đề nổi cộm trong lịch sử thời Bắc thuộc để thảo luận. Đó là vấn đề Triệu Đà và vấn đề Thục An Dương Vương mà nhiều nhà viết sử trước đây thường có những quan điểm trái chiều.

Ở đây, công trình đã trình bày nhiều cứ liệu lịch sử có liên quan đến nhân vật một cách toàn diện, cụ thể, xác thực, từ đó đưa ra được những nhận thức, đánh giá các nhân vật một cách khách quan, trung thực có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục.

PGS.TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định cuốn sách có nhiều đóng góp về mặt học thuật, đã làm rõ được bối cảnh địa - lịch sử - chính trị của văn hóa Việt Nam thời kỳ thiên niên kỷ đầu Công nguyên.

"Điều này là hết sức cần thiết, vì qua đó, mới có thể hiểu rõ và trình bày thành công văn hóa Việt Nam trong thời kỳ ấy. Đồng thời, mới có thể giải thích được hiện tượng tưởng chừng như phi lý là: dù có bị Bắc thuộc, bị mất nước, bị sáp nhập vào đế chế phương Bắc, song người Việt vẫn bảo tồn được văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán... của mình", PGS nhấn mạnh.

Cũng theo PGS Nguyễn Minh Tường, đóng góp quan trọng của tác phẩm là sự phủ nhận quan niệm thường thấy của các nhà Việt Nam học người Pháp trước đây cho rằng: dưới thời Bắc thuộc, văn hóa Việt Nam gần như bị "Hán hóa".

"GS.TS Kiều Thu Hoạch đã chỉ ra rằng Văn hóa Việt Nam thời kỳ thiên niên kỷ đầu Công nguyên, mặc dù có chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nhưng cơ bản vẫn thuộc khu vực văn hóa Đông Nam Á "phi Hoa phi Ấn (khác với Hoa, khác với Ấn), PGS Tường khẳng định.

GS.TS Kiều Thu Hoạch là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, văn học.

Một đóng góp nữa của cuốn sách, theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường là công trình nghiên cứu đã khẳng định nền văn học của người Việt có từ thời Bắc thuộc.

GS Kiều Thu Hoạch đã chứng minh bằng cách tuyển chọn một số tác phẩm của người Việt và một số tác phẩm của người Hán (bị biếm làm quan ở An Nam như Vương Phúc Trĩ, Đô Thẩm Ngôn, Thẩm Thuyên Kỳ,... vịnh về vùng đất ở An Nam).

Trong khi đó, TS Trần Đoàn Lâm - giám đốc, tổng biên tập NXB Thế giới - nhận xét: "Công trình Góp phần nghiên cứu Lịch sử Văn hóa Việt Nam thời kỷ thiên niên kỷ đầu Công nguyên như một chuyên khảo về lịch sử văn hóa thời Bắc thuộc được trình bày một cách toàn diện và có hệ thống. Một công trình văn hóa đầy ắp tư liệu văn hóa cổ với nhiều đóng góp mới có giá trị khoa học".

Với những giá trị khoa học quý báu, Góp phần nghiên cứu Lịch sử Văn hóa Việt Nam đã được đề cử cho giải A Sách hay tại giải thưởng Sách Quốc gia 2018.

Ngoài công trình của GS Kiều Thu Hoạch, giải A Sách hay còn có 2 đề cử là Vi tảo biển dị dưỡng Labyrinthula, Schizochytrium, Thraustochytrium mới ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức (tác giả Đặng Diễm Hồng chủ biên, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ xuất bản) và Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) (gồm hai tập của tác giả Nguyễn Đình Tư, NXB Tổng hợp TP HCM).

Khuê Tú

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/viet-nam-co-thoi-bac-thuoc-nhung-khong-bi-han-hoa-post834260.html